Ký: Ngày ấy, qua sông Tiền...

Cập nhật, 16:51, Chủ Nhật, 04/07/2021 (GMT+7)

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

(VLO) Được sự giúp đỡ của du kích Quới Thiện, một đêm tối trời từ phía bờ sông thuộc huyện Vũng Liêm, với chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi theo con nước lớn bọc đuôi cù lao này rồi từ đó cứ theo giữa sông Bang Tra bơi tới (đây là một khúc sông của sông Cổ Chiên phân chia cù lao này với Bến Tre).

Đích đến của chúng tôi là vàm sông Cái Hàng thuộc xã Nhuận Phú Tân ở phía Nam huyện Mỏ Cày (nơi đặt đầu cầu trước đây của cung đường Vĩnh Long- Bến Tre). Chúng tôi ngồi trên xuồng đi băng băng giữa sông trong đêm tối với vũ khí sẵn sàng, ba lô được gói gọn thành phao.

Nhìn bờ sông phía bên cù lao và cả bờ phía đối diện khi đi qua thị trấn Bang Tra và vùng phụ cận, chúng tôi thấy các nhà dân đều lấp lánh ánh đèn treo trước cửa (do địch bắt buộc).

Đâu đó có những tràng tiếng chó sủa nghe rất rõ trong đêm vắng nhắc nhớ lời nói không vòng vo của anh du kích đi cùng khi xuồng rời bến “gặp địch mình nhận xuồng chìm, mạnh ai nấy lội”.

Lòng tôi trào dâng một cảm giác khó tả, bao ký ức tràn về. Địch mà anh ấy nhắc ở đây là các tàu chiến luôn chiếm ưu thế khi chạm với ta. Nhớ lúc đầu cầu Vĩnh Long- Bến Tre còn đặt trên đất cù lao, khi cần qua lại khúc sông này chúng tôi đã từng “đua tốc độ” với chúng để tránh “tao ngộ”.

Tàu chiến địch lớn chậm chạp chẳng ai ngại, ngày ấy các “ho bo” cao tốc tuần tiểu của quân Mỹ (patrol boat) mới là “hung thần”.

Loại “ho bo” này dài chỉ khoảng 6m có 6 thủy thủ toàn lính Mỹ nhưng được trang bị “tận răng”: trọng liên 12,7 ly 2 nòng, súng phun lửa, đại liên 30, súng phóng lựu,… đáng ngại nhất là cái tốc độ 50- 60 km/giờ chạy như bay trên mặt nước và chưa kể nó có thể kêu trực thăng mau chóng hỗ trợ. Chạm với chúng trên sông rộng mà có cả trực thăng trên trời thì ta chỉ còn nước “liều mạng”...

Bọn này thường đi thành toán 2- 3 chiếc, nắm chắc quy luật, giờ giấc hoạt động của chúng, anh em giao liên của trạm đầu cầu và du kích Quới Thiện khi cần thiết có thể chọn vài phút địch sơ hở để “đua tốc độ” với chúng vượt qua khúc sông này.

Anh em du kích thường chỉ cần một chiếc tam bản nhỏ có gắn máy Koler 4 sẽ an toàn vượt sông khi trên trời không có trực thăng và thằng “ho bo” phải ở xa với khoảng cách tối thiểu được đo bằng kinh nghiệm xương máu là khi thân của nó lúc quay ngang không thể dài hơn… một gang tay.

Nhưng với gánh giao liên thì khác, ghe của họ lớn, hàng nặng hay khách đi đường đông nên phải đặt ở lái đến 2 máy BS 9 chạy hết tốc lực mới đủ sức đua với chúng.

Người anh em này có một quy định là phải né chạm địch tối đa để bảo vệ bí mật con đường, trường hợp buộc phải nổ súng thì do người trên ghe quyết định trước tiên, sau đó các lực lượng bảo vệ ở các điểm 2 bên bờ của đầu cầu mới được phép dùng hỏa lực mạnh hỗ trợ.

Cẩn thận thế nhưng sóng gió trên sông nước thì đâu có quy luật như hoạt động của địch nên chỉ năm 1968 ở đầu cầu này anh em giao liên đã có 2 lần chạm địch vào ban ngày.

Lần đầu họ may mắn kịp đưa chiếc ghe chở đầy vũ khí mất hút vào một con lạch nhỏ rậm rạp cây cối phía bờ cù lao Quới Thiện và cũng có lẽ do địch không kịp nhận rõ đó là ghe của ta nên chỉ quần đảo trên sông một lúc trong khi ta hoàn toàn im lặng và chúng đành bỏ đi.

Nhưng lần thứ 2 thì đôi bên nổ súng quyết liệt. Trên sông, một ghe của ta chọi với 3 “ho bo” địch. Ngay những phút đầu tiên, một “ho bo” địch bị trúng một quả B40 của lực lượng yểm trợ của ta trên bờ nên nghiêng hẳn một bên và sắp chìm.

Nhân lúc địch bối rối cứu hộ đồng bọn, ghe ta chạy thoát vào bờ. Lần đó, một chiến sĩ ta hy sinh, còn thiệt hại của địch không rõ nhưng nhất định không thể nhỏ.

Những chuyến vượt nhánh Cổ Chiên của hệ thống sông Tiền ở đầu cầu Vĩnh Long- Bến Tre hay Trà Vinh- Bến Tre dưới áp lực kiểm soát của địch dù khó khăn thế, nhưng theo chúng tôi những ai được một lần vượt sông Mỹ Tho bằng đầu cầu Bến Tre- Mỹ Tho những ngày ấy thì nhất định đó sẽ là một trong những chuyến đi khó quên:

Sau chuyến vượt sông Cổ Chiên, chỉ 2 ngày đêm được gắn vào đường giao liên len lỏi qua các đồn bót trên đất Bến Tre, chúng tôi đến được đầu cầu của hành lang chiến lược IB giữa khu Trung Nam Bộ nối khu Tây Nam Bộ lúc đó đặt ở xã Phú Túc thuộc huyện Châu Thành (Nam sông Tiền thuộc tỉnh Bến Tre) để chuẩn bị vượt sông Mỹ Tho qua Bàng Long, Phú Phong (Bắc sông Tiền- thuộc vùng 20 Tháng 7 phía Nam QL4 (QL 1 ngày nay) rồi sẽ vượt lộ này tiến thẳng vào Đồng Tháp Mười…

Địch biết rất rõ hành lang này có nhiệm vụ chiến lược là đảm bảo cho việc chuyển quân, đưa cán bộ, thư từ và hàng quân sự… lên xuống giữa 2 miền với R và miền Đông Nam Bộ nên canh giữ vô cùng cẩn mật.

Ngày đầu tại trạm đầu cầu, chúng tôi đã có thông tin không vui là có một đoàn cán bộ 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh phải mất cả tháng tránh giặc càn quét dài ngày và bị kẹt ở đầu cầu này làm trễ thời gian nhập học nên quay về. Bây giờ khó khăn đó là của đoàn khách chúng tôi đang đạt đúng con số 15 người tại đầu cầu này.

Hơn một tuần đi qua, may mắn giặc không càn qua vùng này nên hàng ngày cứ chiều xuống đoàn chúng tôi cơm nước xong là cấp tốc hành quân từ trạm đặt ở xã Phú Túc ra bờ sông Mỹ Tho chuẩn bị vượt sông.

Nhưng, cứ thế sáng hôm sau phải cười trừ để trả lời câu hỏi đúng như câu hỏi của ngày hôm trước của bà chủ tiệm tạp hóa nhỏ gần trạm “Chưa đi hả?” khi ra đây mua thực phẩm…

Hôm ấy là đêm thứ 12, đoàn chúng tôi cũng kiên trì ngồi chờ tại bến sông, ai cũng đã làm đúng theo hướng dẫn quen thuộc: vũ khí sẵn sàng, ba lô gói thành phao, nam quần ngắn, nữ không nghe nhắc nhưng quần dài các cô đã được xăn quá gối…

Trời tối, chúng tôi vẫn thấy được mặt sông Mỹ Tho nước vẫn nhẹ nhàng chảy, không một bóng ghe xuồng ngoài một vài giề lục bình vô tư với sự rình rập của địch lặng lẽ trôi qua, xa tít bên kia sông là đích đến chẳng rõ đó là Bàng Long hay Phú Phong có các nhà dân vẫn lấp lánh ánh đèn như hàng đêm.

Chúng tôi biết lúc này anh em giao liên có trách nhiệm đưa chúng tôi vượt sông đang tập trung theo dõi các “ngọn đèn biết nói” trong số đó. Cuối cùng rồi cũng có lệnh qua sông do đã trao đổi được ám hiệu với bên kia sông bằng đèn, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Một chút lao xao rồi im lặng khi người chỉ huy chuyến đi truyền lệnh: số ít là người lớn tuổi và phụ nữ ngồi giữa ghe, trai tráng chia đều ngồi trên 2 be ghe và mỗi người được nhận một cây dầm làm bằng bẹ dừa để góp sức với các tay chèo.

Chiếc ghe xuất phát lần này giống như ghe lườn có gắn 2 máy ở lái nhưng chỉ nổ máy khi khẩn cấp, ghe sẽ di chuyển bằng sức người để tránh tiếng máy chạy làm lộ chuyến đi, cũng không ai ngạc nhiên khi được biết trường hợp xấu nhất khi gặp địch ghe sẽ được đánh chìm, mọi người cố gắng trở lại điểm xuất phát…

Chúng tôi mỉm cười với nhau bởi cách giải quyết khi “tao ngộ” với địch cũng giống như chuyến chúng tôi vượt sông Cổ Chiên trước đó, nhưng chuyến đi này cũng giúp cho chúng tôi một trải nghiệm là trong trường hợp đặc biệt sức người có thể đạt được một kết quả vượt mức mong đợi.

Đó là khi ghe chúng tôi rời bến, vài phút ngập ngừng ban đầu được khắc phục ngay sau sự chỉ huy của một người ngồi ở mũi ghe rồi anh đếm nhẹ nhàng và đều đặn 2 tiếng “hai- ba”.

Ai cũng biết “hai” là lúc các tay chèo và bọn trai trẻ chúng tôi cùng đặt mái dầm xuống nước và “ba” là lúc đồng loạt kéo mạnh mái dầm về phía sau. Sông không có sóng song những lần như thế chúng tôi cảm nhận rõ chiếc ghe như chồm lên và nghe rất rõ tiếng nó xé nước.

Chiếc ghe đi băng băng, các ánh đèn bên kia sông thoáng chốc đã ở trước mặt chúng tôi khi chiếc ghe theo trớn trườn lên bãi sông, các vị khách mau chóng đổ lên bờ. Chiếc ghe cũng mau chóng được lấp đầy các vị khách khác đi hướng ngược lại và lệnh xuất phát lại khởi động cả ở 2 hướng…

Bấy giờ trước mắt chúng tôi là một vùng đất lạ nhưng sao chúng tôi cảm nhận rất rõ cái ấm áp của tình đồng chí và sự chở che của đồng bào…

HỒNG VÂN