Ngày ấy, qua sông Tiền...

Cập nhật, 05:57, Thứ Ba, 29/06/2021 (GMT+7)

(VLO) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn được trang bị nhiều khí tài hiện đại nên chúng đánh phá rất dữ dội vào hệ thống giao thông liên lạc (giao liên) được ví như các mạch máu của lực lượng kháng chiến.

Có giai đoạn ác liệt đến độ trong nội bộ ta có một câu nói đùa: “Qua sông bạc đầu, qua cầu giảm kỷ!” (“cầu” ở đây là các đầu cầu- nơi kết nối các cung đường giao liên).

Ngày ấy, con đường giao liên du kích đường bộ từ Vĩnh Long về R (Trung ương Cục miền Nam) hay miền Đông Nam Bộ gồm những cung đường tiếp nối liên tục thay đổi tùy theo tình hình an ninh, nên có đặc điểm chung là phải luôn đối phó sự rình rập của địch, đặc biệt là trên các nhánh sông của dòng Cửu Long (Mekong).

“Hung thần” trên sông nước ở vùng ĐBSCL trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua là các “ho bo” cao tốc của quân đội Mỹ.Ảnh: Internet
“Hung thần” trên sông nước ở vùng ĐBSCL trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua là các “ho bo” cao tốc của quân đội Mỹ.Ảnh: Internet

Sông Tiền trong hệ thống đường giao liên

Khi chảy vào miền Nam Việt Nam, dòng Cửu Long chia làm 2 nhánh lớn: bên phải là sông Hậu (Bassac) chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng rồi đổ ra biển bằng 3 cửa: Định An, Ba Thắc và Trần Đề.

Bên trái là sông Tiền cùng sông Hậu chảy vào đồng bằng rộng lớn Nam Bộ rồi cũng đổ ra biển Đông, nhưng dòng sông này có vẻ rối rắm hơn với nhiều phân lưu có nhiều cù lao.

Sau khi chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Cao Lãnh (Đồng Tháp), đến Cai Lậy (Tiền Giang) sông Tiền chia ra 4 nhánh đổ ra biển bằng 6 cửa. Nhánh sông được nhiều người nhắc đến là sông Mỹ Tho- người địa phương quen gọi là sông Tiền- chảy qua Mỹ Tho và phía Nam Gò Công rồi đổ ra biển bằng cửa Tiểu và cửa Đại.

Nhánh thứ 2 là sông Ba Lai chảy qua phía Bắc Bến Tre đổ ra biển bằng cửa Ba Lai. Nhánh thứ 3 là sông Hàm Luông chảy qua phía Nam Bến Tre đổ ra biển bằng cửa Hàm Luông.

Nhánh còn lại là sông Cổ Chiên làm ranh giới phân chia tỉnh Bến Tre với 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.

Trên bàn cờ quân sự xưa nay, sông Mỹ Tho trong hệ thống sông Tiền có vị trí rất xung yếu nên mang nhiều dấu ấn lịch sử nhất: Xuân 1785, đại quân Tây Sơn đánh tan thủy quân xâm lược Xiêm trong trận Rạch Gầm- Xoài Mút.

Trong chiến tranh chống Mỹ, dòng sông này là chứng nhân cho những trận đánh vang dội của Đội Đặc công thủy và Đội Săn tàu Bến Tre.

Thường trực đối đầu với các chiến hạm và tàu sắt được trang bị tối đa của Lữ đoàn xung kích 117 của Mỹ cùng Giang đoàn 72 của quân Sài Gòn, họ lập được chiến công lớn, như đánh chìm chiến hạm số hiệu 1170 ở vàm Kỳ Hôn, tàu cuốc ở Bình Đức, bắn cháy tiểu pháo hạm 1159 và nhiều tàu chiến ở Giao Long, trong đó có cả “ho bo” tuần tiễu cao tốc- một con bài quân sự đặc biệt của quân Mỹ ở ĐBSCL…

Nhắc lại các chiến tích trên sông Mỹ Tho để thấy dòng sông này luôn là điểm nóng trong công tác giao liên của ta, bởi phía Bắc con sông là Khu Chiến thuật Tiền Giang của Vùng 4 chiến thuật có nhiều căn cứ bộ binh, pháo binh, thiết giáp cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn… của quân Mỹ lẫn quân Sài Gòn.

Riêng Lữ đoàn Xung kích 117 và Giang đoàn 72 của địch ngày đêm bám chặt mặt nước của sông Mỹ Tho, có lúc chúng gần như “hàn” kín nhiều ngày con đường liên lạc giữa R và các tỉnh Đông Nam Bộ với tỉnh Bến Tre và miền Tây Nam Bộ đi qua con sông này.

Vượt sông Tiền để đi tới…

Ngay từ tháng 4/1961, đường giao liên du kích qua Vĩnh Long đã thông suốt, từ miền Tây qua Vĩnh Long về R và miền Đông Nam Bộ có cung đường Vĩnh Long- Kiến Phong rất thuận lợi.

Đầu tiên, trạm đầu cầu cung đường này đặt ở xã Tân An Trung (TX Sa Đéc- lúc đó còn thuộc tỉnh Vĩnh Long), phía Kiến Phong đặt ở xã Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh).

Đường này phát triển mạnh, tùy tình hình an ninh các trạm đầu cầu ở Vĩnh Long có dịch chuyển lên xuống ở các địa phương dọc theo 2 bờ sông Hậu và sông Cổ Chiên.

Sau đòn thua đau trong Tết Mậu Thân 1968 địch phản kích quyết liệt và tiến hành “bình định cấp tốc”. Nhiều vùng giải phóng của ta ở ĐBSCL bị chúng lấn chiếm đóng đồn dày đặc.

Những năm 1971- 1972, hoạt động giao liên du kích vô cùng khó khăn, ngành phải nêu khẩu hiệu “Phục vụ một chuyến đi an toàn là thắng giặc một trận” để khích lệ nội bộ.

Lúc ấy, từ Vĩnh Long về R nếu đi đường giao liên thì du kích đường bộ mất hơn một tháng vì phải đi vòng theo 1 trong 2 con đường: một là vượt sông Hậu ở đầu cầu Trà Vinh- Cần Thơ xuôi về các tỉnh phương Nam để qua đất bạn Campuchia rồi mới đến R ở vùng Đông Nam Bộ.

Con đường còn lại là vượt sông Cổ Chiên ở đầu cầu Trà Vinh- Bến Tre để qua Bến Tre vào Mỹ Tho, Đồng Tháp Mười rồi cũng qua đất bạn mới đến R như con đường kia.

Đầu năm 1973, đoàn chúng tôi có 2 người chuẩn bị đi dự lớp bồi dưỡng chuyên môn ở R. dù tương quan ta và địch đã chuyển biến có lợi cho ta sau các thắng lợi chính trị, quân sự và ngoại giao liên tiếp buộc địch phải ký Hiệp định Paris, các hoạt động tác chiến và hỗ trợ của quân Mỹ cho quân Sài Gòn giảm đi nhưng tình hình giao liên ở ĐBSCL và Vĩnh Long vẫn còn rất căng thẳng: đầu cầu Vĩnh Long- Kiến Phong ta chưa nối lại được, đầu cầu Vĩnh Long- Bến Tre sau đó cũng thế, vì từ cuối năm 1968 địch đã lấn chiếm xã cù lao Quới Thiện (nơi đặt một đầu cầu của cung đường xuyên qua huyện Vũng Liêm).

Muốn về R bằng con đường này phải từ Vĩnh Long xuống huyện Càng Long (Trà Vinh) vượt sông Cổ Chiên bằng đầu cầu Trà Vinh- Bến Tre để qua phía Nam huyện Mỏ Cày. Cân nhắc kỹ đoàn chúng tôi quyết định chọn đi R bằng con đường này, nhưng không bắt đầu từ đầu cầu Trà Vinh- Bến Tre mà theo cung đường cũ đi tắt qua Bến Tre từ cù lao Quới Thiện.

Bởi, chúng tôi biết từ khi cù lao bị địch lấn chiếm thì cán bộ và du kích xã này vẫn bám trụ ở các xã 2 bên bờ sông Cổ Chiên của Vĩnh Long và Bến Tre đối diện với cù lao, để từ đó đêm đêm trở về xã nhà, chúng tôi có thể theo các chuyến qua lại 2 bờ sông Cổ Chiên như con thoi của họ để đi.

(Còn tiếp) (Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)

HỒNG VÂN