Hồn quê

Cập nhật, 14:33, Thứ Hai, 12/07/2021 (GMT+7)

“Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

(“Quê hương”- Đỗ Trung Quân)

Quê hương là gì? Một câu hỏi giản đơn nhưng rất khó trả lời. Để rồi trong ký ức tuổi thơ tôi chất chứa bao hoài niệm mà khi lớn lên xa nhà xa quê, hai tiếng quê hương lại trở thành nỗi nhớ thấm thía ngọt ngào trong trái tim.

Chỉ một chút bất chợt thôi cũng đủ để đánh thức trong tôi cả một miền ký ức với biết bao hình ảnh thân yêu. Đó là những cánh đồng lúa bao la bát ngát có cánh cò bay lả mà tôi bắt gặp trong những lần theo mẹ ra đồng, là ngôi trường ngói đỏ đầu làng với sự chỉ dạy tận tình của cô giáo trẻ, là con đò sang sông với cái nắng oi ả buổi trưa hè, bất giác nghe một câu vọng cổ lan xa trên sóng nước. Tất cả lắng đọng thành “hồn quê” của miền Tây sông nước.

Miền Tây, người miền Tây, đất miền Tây, là tên gọi gần gũi, mộc mạc nhưng rất đỗi thân thương. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi tôi được cất tiếng khóc chào đời. Ở đó đã nuôi lớn tôi từ dòng sữa mẹ ngọt ngào được chắt lọc từ những giọt nước mát lành trên những dòng sông, có vị cay của gừng, vị mặn của muối mà má và ba tôi phải tảo tần trên những cánh đồng lúa hay những ngày đánh bắt trên biển khơi xa. Và còn bằng những lời hát ru êm ả cất lên từ chiếc võng kẽo cà kẽo kẹt… Theo từng cái nắng, cái gió trôi qua, tuổi thơ tôi lớn lên cùng với những con sông, con rạch hay cánh đồng lúa bát ngát bao la, những vườn cây trái ngọt lành.

Nhớ biết bao ngày đầu tiên đến trường, má tôi chở tôi trên chiếc xuồng ba lá theo từng mái dầm bì bõm nhẹ lướt trên dòng sông quê mát rượi bởi bóng những cây dừa nước mà người dân miền Tây trồng để lấy lá lợp nhà. Theo suốt chiều dài của con sông, biết bao nhiêu hình ảnh quen thuộc hiện ra, hình ảnh nào cũng rất đáng yêu, từng ngôi nhà mái lá đơn sơ ẩn hiện sau những tàu lá dừa xanh ngắt, những vườn bưởi vườn nhãn vào mùa hương đưa thoang thoảng. Lúc này, một tiếng cá ục, một cánh chim lướt ngang trên bầu trời, hay nhìn thấy những chiếc cầu khỉ bắc qua con rạch nhỏ, lòng tôi lại thèm thuồng những ngày rong chơi, những buổi tắm sông và biết bao nhiêu cuộc vui bất tận.

Theo thời từng mùa mưa nắng trôi qua nhanh, tôi tự đi đến trường trên con đường đất mặn mòi phù sa chạy giữa cánh đồng bạt ngàn hương lúa. Nhìn những vành nón lá nhấp nhô giữa cánh đồng vàng ươm, trong lòng tôi lại rạo rực trong những lúc ra đồng cùng ba má tôi, tha hồ rượt đuổi với chúng bạn, được ăn cơm gói từ chiếc mo cau với miếng đường thốt nốt, được uống những ngụm nước đậu rang thơm lừng từ bàn tay khéo léo của má của bà. Những ngày giáp tết còn được ăn bánh tráng, bánh phồng giòn tan, béo ngậy thích ơi là thích. Rồi mùa mưa đến, đường trở nên trơn trợt có khi đến trường bùn dính đầy người, áo quần lướt thướt vẫn thấy vui. Cực nhất là tới mùa nước nổi, tôi xắn quần đến trường trong con nước bì bõm.

Thương nhất là con người quê tôi, xưa nay nổi tiếng thật thà chân chất và cũng rất phóng khoáng. Đến ngày mùa chăm chỉ làm việc vất vả trên những cánh đồng lúa. Tối đến cùng bạn bè trong xóm nhâm nhi bên chai rượu nếp cai xè với món cá lóc nướng trui không cầu kỳ nhưng rất ngon, mà người dân tôi gọi bằng cái tên rất dân dã là “mồi bén”. Khi tiệc ngà say, câu vọng cổ bắt đầu cất lên theo tiếng đàn cũng rất mùi mẫn. Tôi cùng với mấy đứa trẻ ngồi xung quanh nghe ca hát, có khi cũng cao hứng rồi ca theo một câu vọng cổ quen thuộc nào đó. Thỉnh thoảng còn nghe được những câu chuyện lý thú được lưu truyền từ thời khai hoang mở cõi… Có lẽ vậy mà chất miền Tây lúc nào lại ăn sâu vào trong tim mỗi đứa chúng tôi.

Rồi một ngày tôi lớn khôn, con tim biết rung động trước cái đẹp. Hình ảnh quê miền Tây lại dày thêm trong ký ức. Mỗi khi có ai hỏi đến quê hương của mình, không hiểu sao trong tôi lại ùa về biết bao nhiêu hình ảnh thân thuộc của cánh đồng lúa, của những con sông quê hay những con đường bì bõm trong mùa nước nổi. Nơi đó có tiếng ầu ơ trong những buổi trưa hè, tiếng ca vọng cổ ngọt như mía lùi, nghe nó đã ơi là đã, có tiếng quết bánh phồng mỗi lúc xuân sắp sang, hay nồi thịt kho rệu của má, của bà, của chị đợi giây phút đoàn viên gia đình trong ngày ba mươi tết… Giản dị là vậy, mộc mạc là vậy nhưng nó lại làm say lòng bao thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa. Để rồi đâu đó trong những nhà, những phố sang trọng vẫn hiện hữu hình ảnh quê mình theo từng khúc nhạc du dương:

“Anh theo em qua những cánh đồng thơm lúa Việt Nam

nơi bao năm xa cách tưởng chừng hôm nay lớn dần

Lòng buồn vời vợi xa xăm gợi lại kỷ niệm khôn nguôi

Thương khói lam ban chiều và mái tranh thuở còn nằm nôi”.

(“ Hồn quê”- Thanh Sơn)

Tôi không biết nhạc sĩ Thanh Sơn có phải người miền Tây như tôi không nhưng khi nghe bài hát của ông, tôi như bắt gặp biết bao hình ảnh quê mình trong đó. Nếu là ngộ nhận thì đó cũng là sự ngộ nhận ngọt ngào đáng yêu. Vẫn là cánh đồng thơm lừng hương lúa, vẫn là sự bùi ngùi xúc động của biết bao kỷ niệm với khói lam quyện trên mái tranh nhà. Nhưng sau những hình ảnh đó là những cung bậc cảm xúc thiêng liêng hơn. Đó chính là Tổ quốc của tôi. Nơi cất giữ hình ảnh con người Việt Nam, hồn quê Việt Nam.

Hồn quê được tạo thành từ biết bao nhiêu điều gần gũi, giản dị thân thương nhưng nó lại luôn bồi đắp trong tôi một giá trị tinh thần cao quý, là nguồn cảm hứng cho tình yêu cao cả và thiêng liêng hơn là tình yêu Tổ quốc, là điểm tựa cho tôi thêm vững vàng. Cũng như đối với bao làng quê khác, tôi thấy có trách nhiệm với miền Tây quê tôi, để nơi ấy luôn là câu vọng cổ mùi mẫn trong lòng mọi người.

MINH ĐIỀN