Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc

Cập nhật, 09:13, Thứ Hai, 21/03/2016 (GMT+7)

Là một danh thắng mang nhiều giá trị lịch sử của TP. Châu Đốc, Bồ Đề Đạo Tràng không chỉ thu hút sự chiêm bái từ đông đảo phật tử, mà còn thu hút nhiều du khách khắp cả nước.

Bởi, nơi đây gắn liền với 3 phật tích xưa: Cây bồ đề, viên Xá lợi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, đất nơi Đức Phật hành thiền và đắc đạo.

Truyền thuyết Phật giáo kể lại, khoảng 500 năm trước Công nguyên, khi đó là một nhà tu hành theo hạnh khất thực, Thái tử Tất Đạt Đa đã đến ngồi thiền dưới bóng một cây cổ thụ. Sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài đã đạt được giác ngộ.

Sau này, nơi Phật thiền định đạt chánh quả gọi là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng); cây cổ thụ nơi Phật ngồi thiền định gọi là cây bồ đề (Bodhi - nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ). Theo ghi chép tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc, năm 1951, Đại đức Jinara Jadasa- cố Hội trưởng Hội Thông thiên học quốc tế tại Ấn Độ đã hiến tặng cây bồ đề cho ông Phạm Ngọc Đa, Hội trưởng Hội Thông thiên học Việt Nam đem về nước làm quốc bửu.

Cây bồ đề này là con của bồ đề bảo thụ mà xưa kia Đức Phật tổ đã ngồi nhập định. Ông Đa đã nhờ bà Nguyễn Thị Hai sang Ấn Độ thỉnh về để trồng tại tỉnh lỵ Châu Đốc (nay là TP. Châu Đốc).

Cây bồ đề được hạ chưởng vào ngày 15-4 năm Nhâm Thìn (nhằm ngày 8-5-1952). Sau khi hạ thổ cây xong, phật tử dùng sữa tươi tưới, chẳng bao lâu, bồ đề vươn lên 4 tược tươi tốt.

Là một biểu tượng của sự phát triển Phật giáo, cây bồ đề liên quan mật thiết với sự chứng ngộ của Đức Phật. Và, cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc được coi là cây bồ đề lâu năm nhất tỉnh.

Năm 2000, vào dịp đi Ấn Độ chiêm bái Bodh Gaya, ông Trương Hưng - một thành viên của Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc) đã kính thỉnh nhúm đất tại cội bồ đề linh thiêng, đem về đựng trong bảo tháp đặt tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Thế là, tại đây có thêm một phật tích hết sức quý giá. Di bằng được khắc tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc có đoạn: 

“Hôm nay, ngày mồng 8 tháng 7 năm Tân Mùi, nhằm ngày 17-8-1991, tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, viên Xá lợi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni do Thượng tọa Kim Quang thỉnh từ Ấn Độ về được tặng cho gia đình đạo hữu Nguyễn Văn Thi và Nguyễn Thị Tuyết (số 154 Lý Tự Trọng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Nay đạo hữu nhất tâm hoan hỷ dâng cúng về chùa Bồ Đề Đạo Tràng thị xã Châu Đốc, do ông Hội trưởng Nguyễn Văn Năm đại diện phụng thỉnh. Xá lợi được tôn trí trong một bảo tháp bằng đồng để từ nay tứ chúng phật tử muôn đời chiêm bái”.

Phật tích này gắn liền với viên ngọc xá lợi màu trắng bóng được đựng trong một chiếc hộp đặt trong tủ kính và đặt trân trọng trong Xá lợi bảo tháp nằm giữa Chánh điện. Theo những ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem thi hài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện và đếm được tất cả 84 nghìn viên, đặt tên là xá lợi và là bảo vật của Phật giáo.

Đến khoảng năm 2003, ông Lương Văn Hữu, Hội trưởng Hội Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc cần phải tôn tạo nơi đây nên đã vận động xây hàng rào, xây lầu chuông, lầu trống, cổng trước, Quan Âm các, Hậu tổ… hoàn thành vào năm 2005. Nhờ thế, Bồ Đề Đạo Tràng càng thêm phần tôn nghiêm, tạo điều kiện cho phật tử, du khách gần xa đến lễ bái.

Gắn liền với những phật tích xa xưa, mang nhiều ý nghĩa, từ lúc thành lập đến nay, Bồ Đề Đạo Tràng ở Châu Đốc luôn thu hút được đông đảo khách thập phương. Đông nhất là vào thời điểm tháng Chạp đến cuối tháng 4 âm lịch năm sau. Mỗi năm, Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức bốn lễ chính: Rằm tháng Giêng (Thượng ngươn), rằm tháng tư (Phật đản), rằm tháng bảy (Vu lan) và rằm tháng mười (Hạ ngươn). Đông nhất là vào dịp Lễ Phật đản hàng năm, thu hút vài ngàn người đến tham dự.

Theo http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Van-hoa-Du-lich/Bo-e-ao-Trang-o-Chau-oc.html