Triết lý âm- dương

Cập nhật, 12:12, Chủ Nhật, 20/03/2016 (GMT+7)

Nhận thức của người xưa về triết lý âm- dương đã sản sinh ra vô vàn cặp đối lập có quan hệ biện chứng, đối lập mà không triệt tiêu, trái lại bổ sung cho nhau để cùng tồn tại, hoàn thiện. Nếu vũ trụ có Trời (dương), Đất (âm) thì con người có Đàn bà (âm), Đàn ông (dương).

Âm- dương tuy có những đặc điểm, tính chất khác nhau nhưng không thể tách rời nhau. Vì vậy, người xưa luôn phản ánh nhận thức của mình bằng phương pháp tư duy hai mặt của một vấn đề. Câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là một trong muôn vàn dẫn dụ để minh chứng điều đó.

Đúng vậy, câu nói trên đã tách bạch hai vế (hai mặt của một vấn đề) nhằm nhấn mạnh đặc tính (âm- dương) và được cụ thể hóa chức phận phù hợp mỗi giới. Trong đời sống, những công việc nặng nhọc đòi hỏi khí chất mạnh mẽ thuộc về phái dương như: xây nhà, một cách nói bao hàm, biểu trưng chức trách người đàn ông trong gia đình.

Với tư cách người chồng, cha, phải: tạo dựng nơi ăn chốn ở, là chỗ dựa tinh thần, vật chất cho mọi thành viên trong gia đình; bảo bọc, che chở mọi người trước biến động, khó khăn cuộc sống. “Con có cha như nhà có nóc” chính là sự khẳng định vai trò trụ cột người cha vậy. Đàn ông cũng là người truyền cho con cái nề nếp gia đình, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, học tập… để thế hệ sau tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp gia đình, dòng họ.

“Con hơn cha là nhà có phúc” cũng là lời khẳng định vai trò “xây nhà” của cánh đàn ông. Rồi nghìn việc không tên được xem là nhẹ nhàng lấp đầy bên trong cái nhà ấy, chính là cái tổ mà cái tổ có ấm hay không đòi hỏi đức tính cần mẫn, chăm chút ý tứ… ưu thế thuộc về phái âm. “Con mất mẹ lót lá mà nằm” cũng là ý tôn vinh thiên chức người mẹ.

Vậy thì “xây nhà”, “xây tổ” là hai mặt của một vấn đề: Mái ấm gia đình tương ứng với nguyên lý âm- dương mà người xưa đã nhận thức về sự việc, con người. Cứ theo nguyên lý ấy, hai mặt trên không thể tách rời để phân định rạch ròi “việc ai nấy làm được”. Trái lại phải có sự chuyển hóa, bổ sung nhau thì mái ấm gia đình mới hình thành, tồn tại và phát triển bền vững được. Đó là đàn ông- đàn bà cùng chung nhiệm vụ “xây” mà câu nói nhắc đến hai lần, chứ đâu phải chỉ riêng cho phái nào.

Không ít người cho rằng câu nói trên phản ảnh cách nhìn lạc hậu so thời đại bởi xuất phát từ quan điểm “Tu, Tề, Trị, Bình” của đấng nam nhi: làm những việc quan trọng, to tát từ trong gia đình ra ngoài xã hội, rồi “Tòng phụ- Tòng phu- Tòng tử” của nữ giới.

Thật ra quan niệm bất bình đẳng về giới trên là sản phẩm Nho giáo. Tôi nghĩ “đàn ông- đàn bà” không hề chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng- Mạnh mà chính là sản phẩm của nhận thức, tư duy người bình dân đúc kết từ thực tiễn cuộc sống- vì cuộc sống tốt đẹp cho mình, cho người mà nói thế.

Thời đại ngày nay, nam nữ bình đẳng và được luật pháp bảo vệ. Nhận thức mọi người không bị ràng buộc, ảnh hưởng bởi định kiến, càng có điều kiện hiểu đúng bản chất vấn đề mà người xưa nhận định. Người đàn ông biết quan tâm cùng vợ làm việc nhà tạo “tổ ấm”, đàn bà luôn hỗ trợ, tham gia cùng chồng tạo cơ ngơi, sự nghiệp… cùng hướng đến mục đích chung: gia đình ấm êm, thịnh vượng, con cái thành đạt… đóng góp vào sự phát triển chung xã hội. Đó chính là thực hiện triệt để ý nghĩa câu nói người xưa, để nhận ra rằng: nguyên lý ngày xưa cũng là chân lý ngày nay.

TRANG LỘC