Thêm đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 24/12/2015 (GMT+7)

Qua 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn giai đoạn 2010-2015”, đến nay đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, tình đoàn kết xóm làng ngày càng được nâng lên. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh- sạch- đẹp.

Các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” luôn thu hút bà con nông thôn tham gia.
Các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” luôn thu hút bà con nông thôn tham gia.

Đời sống vật chất ngày càng nâng cao

Theo đánh giá của ngành VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (XDĐSVH) được các ngành, các cấp triển khai một cách sâu rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 240.551 gia đình văn hóa, chiếm 92,7% cao hơn năm 2010 là 78,3%; 508/847 ấp- khóm văn hóa theo tiêu chí mới, tỷ lệ 59,9%.

Đặc biệt qua sự phấn đấu, nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, đến nay tỉnh có 29/94 xã được công nhận danh hiệu “Văn hóa nông thôn mới”, góp phần thúc đẩy cho 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến sẽ đạt 21 xã nông thôn mới vào cuối năm nay.

Phong trào Toàn dân đoàn kết XDĐSVH còn tác động đến các phong trào mang tính xã hội khác ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân nông thôn. Ông Nguyễn Ngọc Tân (huyện Long Hồ) phấn khởi: “Tôi sống ở đây đã hơn 60 năm rồi mới thấy con đường trước nhà được láng nhựa bằng phẳng, tạo điều kiện cho bà con nơi đây đi lại dễ dàng, mua bán chôm chôm thuận lợi hơn. Đây là điều mà hồi xưa tôi chưa bao giờ nghĩ đến, bà con mừng lắm”.

Không những giao thông thông thoáng, cơ sở hạ tầng khang trang, mà môi trường nông thôn giờ đây cũng trở nên xanh- sạch- đẹp. “Được chính quyền vận động, bây giờ khoảnh sân trước nhà, đường làng, ngõ xóm đều được mọi người chăm chút trồng hoa như: hoa mười giờ, sao nhái, cây lá màu, cây cảnh… tạo nên bức tranh làng quê đầy màu sắc”- chú Hồ Văn Xuyên, một cựu chiến binh ở xã Phú Lộc (Tam Bình) cho biết. Chú nói thêm: “Đời sống của bà con cũng khấm khá hơn. Trước đây có khoảng chục nhà lá, thì bây giờ được thay thế bằng nhà tường kiên cố, không còn sợ nắng mưa nữa”.

Xây dựng xã nông thôn đậm đà bản sắc dân tộc

Đời sống vật chất ổn định, nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân cũng dần được nâng lên. Thời gian qua, Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư, cấp trang thiết bị âm thanh cho trên 45 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 28 nhà văn hóa, khu thể thao ấp, mua ấn phẩm văn hóa cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc.

Luân chuyển, bổ sung cho phòng đọc sách các xã trong tỉnh 428.341 bản sách, với 4.961 tên sách, 3.751 tờ báo, tạp chí, 2.305 tờ báo tiếng Khmer và trên 1 triệu lượt tài liệu phục vụ 626.498 lượt bạn đọc là người dân và các em học sinh nông thôn trong tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở VH, TT và DL đã phân bổ cho các thư viện huyện- thị để luân chuyển đến các phòng đọc sách xã tổng cộng 9.642 tên sách, với 15.465 bản sách. Trong đó phân bổ trực tiếp cho 6 xã nông thôn mới tổng cộng 602 tên sách, gồm 1.320 bản sách, trị giá 80 triệu đồng.

Hàng năm, đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp tỉnh phong phú, đa đạng để phục vụ nhân dân, nổi bật như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan tiếng hát xã nông thôn mới… Cấp cơ sở thì có: Liên hoan tiếng hát công nhân viên chức, Liên hoan đờn ca tài tử, Hội thi tiếng hát nông dân…vào dịp lễ lớn, sự kiện trọng đại của dân tộc, của tỉnh, tạo nên phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ sôi nổi, hào hứng trong dân cư.

Đặc biệt, tuy mới được tổ chức vài lần, song biểu diễn nghệ thuật đường phố tại Quảng trường TP Vĩnh Long đã gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả. Bé Huỳnh Nhật Tuân (Phường 1- TP Vĩnh Long) vui vẻ: “Lần đầu tiên con đi với dì Út ra xem, hay lắm, con thích nhất là màn biểu diễn hiphop”. Còn những người lớn tuổi thì nói rằng: Các tiết mục cải lương hay lắm, sẽ tiếp tục đến xem nữa.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, như đời sống người nông thôn chưa cao, hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, việc vận động xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa còn ít, nhưng nhìn chung được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp ở địa phương, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, nên Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010- 2015” đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Vĩnh Long thêm đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn giai đoạn 2016- 2020”, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt 95% hộ gia đình văn hóa, 100% ấp- khóm, khu phố đạt văn hóa, 70% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Xây dựng mới 13, cải tạo, mở rộng 12 trung tâm văn hóa thể thao xã; xây mới 3 sân bóng đá xã, 22 nhà văn hóa, khu thể thao cụm liên ấp; cải tạo, mở rộng 2 nhà văn hóa, khu thể thao cụm liên ấp.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- MINH TÂM