Phỏng vấn

Mức đóng BHXH khi tăng lương tối thiểu vùng

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 12/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm, dẫn đến mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng thay đổi. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Dương- Giám đốc BHXH tỉnh để thông tin cụ thể về vấn đề trên.

* Thưa ông, được biết từ ngày 1/7/2022 mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6%. Vậy tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc sẽ thay đổi ra sao?

- Căn cứ Luật BHXH năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022 mức lương tối thiểu tăng lên đồng nghĩa với mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) thấp nhất cũng tăng lên. Trong đó, có một số quy định cụ thể đối với người sử dụng lao động như sau:

- Rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định.

- Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện. Trong đó, có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định.

- Sau khi các đơn vị sử dụng lao động rà soát, điều chỉnh lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng. Cụ thể:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Địa bàn áp dụng

Vùng I

4.680.000

22.500

Tỉnh Vĩnh Long không có

Vùng II

4.160.000

20.000

TP Vĩnh Long, TX Bình Minh

Vùng III

3.640.000

17.500

Huyện Long Hồ, huyện Mang Thít

Vùng IV

3.250.000

15.600

Các huyện: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân

Đồng thời, chính sách giảm mức đóng BHTNLĐ-BNN bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Do đó, kể từ 1/7/2022, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN với mức đóng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP.

Trên cơ sở các quy định nêu trên, BHXH tỉnh đã chủ động phát hành văn bản hướng dẫn tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ ngày 1/7/2022.

* Sự thay đổi trên tác động đến mức lương hưu sau này như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định hiện hành thì BHXH có 5 nguyên tắc để thực hiện. Trong đó quy định: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH; mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.

Như vậy, với việc tăng lương tối thiểu thì mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu cũng tăng lên, đồng nghĩa mức lương hưu cũng sẽ tăng lên tương ứng. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

* Trân trọng cảm ơn ông.

P. PHONG (thực hiện)