Kết nối phố

ĐBSCL sẽ có hơn 1.000km đường cao tốc

Cập nhật, 07:04, Thứ Tư, 15/06/2022 (GMT+7)

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Đồng thời, vùng này có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Thế nhưng, ĐBSCL vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng và lợi thế do giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển còn hạn chế. Những năm qua, nhiều công trình cầu lớn đã được xây dựng góp phần kết nối thông suốt đôi bờ sông Tiền, sông Hậu, như: cầu Mỹ Thuận, Vàm Cống, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Miễu; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, tính liên kết ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế.

Tại hội thảo: “Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, theo quy hoạch đường bộ cao tốc đến năm 2050, toàn vùng ĐBSCL sẽ đầu tư khoảng 1.180km trong tổng số 9.014km của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Cụ thể, giai đoạn 2021- 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ- Cà Mau dài 109km. Trình Quốc hội đầu tư tuyến Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng dài 188km. Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An- Cao Lãnh. Giai đoạn 2026- 2030 tiếp tục hoàn thành cầu Cần Thơ 2, đoạn Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu, đoạn An Hữu- Trà Vinh dài 90km, đoạn Trà Vinh- Hồng Ngự...

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng ĐBSCL và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.

N. HOÀNG