Tăng cường truyền thông về tác hại của rượu bia

Cập nhật, 05:33, Thứ Bảy, 09/01/2016 (GMT+7)

Theo TTXVN, ngày 8/1/2016, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Báo chí với phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia”.

Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam Phạm Thị Hoàng Anh đã phân tích những ảnh hưởng của việc sử dụng rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 57,72% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên. Với chi phí trung bình cho rượu là 733.058 đ/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng/năm.

Số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo (giá năm 2010), đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm. Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến một cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống 1 cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn 1 cốc sữa/năm.

Vì vậy, việc tăng cường truyền thông đối với các hộ gia đình về tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế là cần thiết, đặc biệt ở vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tăng thuế và tăng giá rượu bia đã được minh chứng là giải pháp tốt nhằm giảm tiêu dùng rượu bia trên thế giới. Đồng thời, phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh về mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong khi mức tiêu thụ của toàn thế giới thập kỷ qua hầu như không thay đổi. Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013.

Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 Châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Đồ uống có cồn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi từ 15- 49 tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới từ 50- 69 tuổi gần 10%- cao trên 3 lần trung bình toàn cầu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến nghị: Gánh nặng do tác hại của rượu bia gây nên sẽ ngày càng tăng nếu Nhà nước không đáp ứng kịp thời về chính sách, pháp luật, đặc biệt là pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cần phải được sửa đổi, bổ sung và tăng cường hiệu lực, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ngăn chặn những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác.

PV