Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Cập nhật, 18:19, Thứ Năm, 30/10/2014 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ lo ngại tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014, số vụ án khởi tố mới là hơn 65.000 vụ với hơn 100.000 bị can, tăng 2,24% về số vụ. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm có chuyển biến tích cực. Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức được triệt phá.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được phát hiện và khởi tố như vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh TP Hồ Chí Minh; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… Tuy nhiên, ngoài những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tham nhũng vặt diễn ra khá phổ biến, khó phát hiện do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu bằng chứng xử lý.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là tội phạm về mua bán người, tội phạm ma túy.
 
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở, nhất là trong quản lý tài chính, tiền tệ, đất đai, quản lý biên giới, cửa khẩu…

Thảo luận về nội dung này, hầu hết các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ nhưng tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp, khó lường hiện nay của các loại tội phạm. Một số tội phạm mới nảy sinh nhưng lại có chiều hướng gia tăng như tội phạm trong gia đình, bạo hành gia đình, bạo lực học đường,...

Điều này cho thấy kỷ cương pháp luật chưa nghiêm, đạo đức xã hội xuống cấp. Nhiều đại biểu bức xúc trước thực tế tội phạm giết người ngày càng phức tạp, nhiều người bị giết hại trong khi đất nước đang thanh bình và đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

ĐB Nguyễn Thị Khá (đơn vị tỉnh Trà Vinh) rất đau lòng và bức xúc vì đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, hiểu biết pháp luật của dân còn thấp. ĐB đề nghị cần đánh giá sát thực hơn nguyên nhân của các loại tội phạm bộc phát mới nổi lên, như các loại tội phạm tàn bạo, giết người chặt xác… gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.

Chính quyền nơi thường xuyên để xảy ra tội phạm nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm. “Có nhiều vụ đổ thừa trách nhiệm cho nhau, hỏi đến thì bảo “không biết”, nếu không ai hỏi đến là thôi. Tôi rất sợ cụm từ “không biết”, ĐB Nguyễn Thị Khá bức xúc.

ĐB Ngô Thị Minh (đơn vị tỉnh Quảng Ninh) phân tích tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong thanh thiếu niên do sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự thiếu quan tâm của một số gia đình và các bậc cha mẹ với con cái; những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về gia đình và trẻ em; sự thiếu quản lý, quy hoạch tổng thể và đầu tư cho các điểm văn hóa vui chơi, giải trí của thanh thiếu niên; sự hạn chế vai trò của các đoàn thể quần chúng trong việc bảo vệ, giúp đỡ nhóm đối tượng này thực hiện quyền của mình;...

ĐB kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho học sinh, sinh viên; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa gia đình-nhà trường-xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên;...

Từ kết quả trong năm 2014, Chính phủ xác định trong 2015, sẽ tiếp tục các giải pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Sẽ khắc phục các sơ hở, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực để phòng ngừa tội phạm, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, đất đai. Tiếp tục phòng ngừa, chống tội phạm có tổ chức, ma túy; phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục đấu tranh có hiệu quả đối với các thế lực thù địch, không để xảy ra bất ngờ.

 THANH NGHI