NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI (1/10) VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH “TUỔI CAO- GƯƠNG SÁNG” LẦN THỨ III (2010- 2014)

Những “cây cao, bóng cả” trong phong trào thi đua yêu nước

Cập nhật, 06:50, Thứ Ba, 30/09/2014 (GMT+7)


Ông Phan Văn Vui (trái) cho rằng, hiến đất để con em thuận tiện đi học, bệnh nhân dễ dàng đi khám bệnh là việc nên làm.

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao- Gương sáng”, các cấp Hội Người cao tuổi (NCT) trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đóng góp tài năng, trí tuệ để giúp ích cho xã hội, xây dựng quê hương. Các cụ mãi là những “cây cao, bóng cả”, là gương sáng cho con cháu noi theo.

Mạnh từ hội cơ sở

“Nêu gương sáng” xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội NCT xã Long An (Long Hồ) đã đảm bảo đủ về số, mạnh về chất. Theo ông Nguyễn Văn Mum- Phó Chủ tịch Hội NCT xã: “Được vậy là nhờ hội đã thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, UBND xã”.

Năm 2012, hội sơ kết phong trào “Tuổi cao, gương sáng” tại địa phương, nhận thấy hiệu quả chưa cao do cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu nên xác định công tác tổ chức cán bộ là khâu đột phá, quyết định sự thành bại của phong trào.
 
Ông Mum cho biết: Trước hết, chúng tôi tham mưu với cấp ủy, UBND xã về dự thảo kế hoạch xây dựng hội cơ sở vững mạnh; đồng thời, tổ chức khảo sát, đánh giá xếp loại đội ngũ cán bộ hội các cấp.

Sau đó, đề nghị đổi chủ tịch và phó chủ tịch hội cơ sở do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật; đồng thời, điều chỉnh 4 ủy viên BCH do bận nhiều công tác chuyên môn. Đến nay, BCH Hội NCT xã có đủ 15 ủy viên. 9/9 chi hội đều có đủ chi hội trưởng và chi hội phó, 36 tổ hội có đủ tổ trưởng và tổ phó.
 
“Chỗ nào chi bộ quan tâm thì chỗ đó chi hội vững mạnh”- ông Mum khẳng định. Khác hẳn với trước kia, đa số các chi hội trưởng, chi hội phó đều làm công tác kiêm nhiệm, không có hỗ trợ.
 
Ngoài chia tách nhân sự, hội còn kiến nghị hỗ trợ chi hội trưởng, chi hội phó 100.000 đồng/người/tháng từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy không nhiều, nhưng cũng đã góp phần động viên các cụ gắn bó với phong trào.

Gắn kết hội viên, làm mới nông thôn

Chi hội NCT ấp An Hiệp đã tự lực “rút ngắn” độ tuổi mừng thọ cho các cụ xuống còn 60 tuổi thay vì 70 tuổi (theo định mức hỗ trợ của Nhà nước).

Còn tại Chi hội NCT ấp An Lương A, cũng đã tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 65 tuổi. Được vậy là nhờ các cụ biết cách quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ hội phí, quỹ chăm sóc... Từ đó, có kinh phí để tổ chức mừng thọ sớm hơn cho hội viên, thể hiện sự quan tâm.


Ông Nguyễn Văn Thời (trái) đã chủ động đề nghị được hiến đất xây nhà máy nước để người dân có nước sạch sử dụng.

Một trong những cách làm sáng tạo của Chi hội NCT ấp Long Tân là tổ chức mừng thọ ngay tại gia đình.

Theo đó, nhân các ngày giỗ chạp, con cháu tề tựu về nhà và tổ chức mừng lục tuần, thất tuần... cho các cụ. Ngoài niềm vui sum họp, các cụ còn rất hãnh diện vì có cấp ủy và Hội NCT đến làm lễ, tuyên bố, chúc mừng, tặng quà và động viên tiếp tục nêu gương sáng để con cháu noi theo.

Qua đó, có 60 cụ hiến 32.000m2 đất cùng hoa màu và vật kiến trúc trên đất với tổng trị giá 4,1 tỷ đồng; đồng thời góp 150 triệu đồng tiền mặt để góp phần cùng địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tiêu biểu có cụ Võ Thị Sáu (72 tuổi, ngụ ấp An Hiệp) đã hiến 2.000m2 đất làm đường nông thôn và chủ động đốn bỏ cây ăn trái để tạo mặt bằng thông thoáng cho thi công.

Với ý thức “No cơm ấm áo nhờ ơn Đảng/ Nhà cao cửa rộng nhớ Bác Hồ”, sau ngày giải phóng ông Phan Văn Vui (ấp An Hiệp) đã hiến một phần đất để Nhà nước làm đường. Đến nay, ông hiến thêm 500m2 đất để mở rộng tuyến đường vào trạm y tế, trường học.

Ông quan niệm: “Nếu đất nước mình chưa độc lập thì dân mình không có cuộc sống tốt như vầy. Được Nhà nước chăm lo có đường sẵn để đi, vô tới đồng cũng có điện sử dụng, thì việc hiến vài trăm mét vuông đất để con em thuận tiện đi học, bệnh nhân dễ dàng đi khám bệnh cũng là việc nên làm”.

Tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, hiểu rõ mong mỏi của bà con là có nước sạch sử dụng, năm 2012, ông Nguyễn Văn Thời (ngụ ấp Long Tân) đã chủ động đề nghị được hiến 450m2 đất để có mặt bằng xây nhà máy nước. Nhờ vậy, trên 2.000 hộ dân trong xã đã không còn cảnh “khát nước sạch”.

Gần đây, khi Nhà nước mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn, ông hiến tiếp 420m2. Ngoài ra, ông còn dành một phần đất để làm đường cho xe 4 bánh chạy đến nhà máy nước. Ông cười tươi: “Những việc tui làm chính là vì lợi ích chung của tập thể thôi”.

Toàn tỉnh có hơn 40.600 hộ đạt danh hiệu “gia đình NCT mẫu mực”, chiếm 91% hộ NCT đăng ký. Việc làm cụ thể về lối sống mẫu mực của NCT là yêu nước, yêu quê hương, hướng đến một xã hội văn minh, giàu đẹp; biết dựa vào kinh nghiệm và uy tín để tuyên truyền, vận động; trong đó, gia đình NCT là lực lượng tiên phong, gương mẫu hiến đất, hiến công, đóng góp vật chất để xây dựng công trình giao thông, trường, trạm, chỉnh trang xóm- ấp góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI