Dịu dàng một nét sơn mài

Cập nhật, 15:20, Chủ Nhật, 28/09/2014 (GMT+7)

Người bạn có dịp ra nước ngoài, bảo đưa đi mua tranh tặng bạn nước chủ nhà, mà nhất định phải là “riêng có của Việt Nam”. Vậy thì tranh sơn mài nhé!

Nét đẹp truyền thống của tranh sơn mài không chỉ nằm ở kỹ thuật hay chất liệu mà còn ở phong cách tạo hình, là hồn quê, là cảnh vật con người Việt Nam. Nói như danh họa Tô Ngọc Vân: “Thể chất lộng lẫy của sơn mài làm cho nghệ sĩ khát khao đi tìm một chất liệu mới, ngon mắt và xúc động mạnh hơn sơn dầu. Thể chất cánh gián, sơn then, vàng bạc ở sơn mài linh biến, sinh động, không còn là thể chất không hồn nữa. Màu sắc sơn mài đằm thắm, sắc nhị âm vang sâu rộng, rung tới tận đáy lòng người xem…”

Gần một thế kỷ đồng hành cùng nghệ thuật dân tộc, tranh sơn mài đã chuyên chở được nét đặc sắc của hồn quê trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ. Từ sắc vàng, bạc, đỏ son, then đen, cánh gián, vỏ trứng, vỏ trai cổ truyền, các nghệ sĩ đã mang đến những bức tranh cách tân trên tinh thần dân tộc. Lịch sử mỹ thuật sẽ còn nhắc mãi đến việc tìm ra màu xanh cho sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng, đến các bậc thầy Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm… với phong cách hiện đại mà đậm đà dân tộc.

Kiến trúc sư Lisa Surprenant (Mỹ), một người rất mê sơn mài Việt Nam đã nói rằng: “Việt Nam có một di sản nghệ thuật vô cùng độc đáo, đó là sơn mài… Phải nói rằng cây sơn Phú Thọ đã ban tặng cho các nghệ sĩ Việt Nam một chất liệu có đặc tính hoàn toàn riêng biệt. Thế mạnh đó lại được tâm hồn các nghệ sĩ Việt Nam nâng lên thành một chất liệu hội họa độc đáo trên thế giới, mà Nhật Bản và Trung Quốc chưa làm được. Các bạn hoàn toàn có quyền tự hào nếu tôn vinh sơn mài là quốc họa của Việt Nam và đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới !”

Trong rất nhiều giá trị nghệ thuật dân tộc mà chúng ta đã lãng quên hoặc dần dần mai một, xin hãy nhớ có một nét tranh sơn mài dịu dàng đầy duyên dáng Việt Nam.

PHƯƠNG NAM