Một ngày trên đồng lác xanh rì

Cập nhật, 07:35, Chủ Nhật, 29/10/2023 (GMT+7)

 

Thu hoạch lác trải qua rất nhiều công đoạn như phát, giũ, gom, bó, dộng, tề, phơi… nên cần rất nhiều nhân công.
Thu hoạch lác trải qua rất nhiều công đoạn như phát, giũ, gom, bó, dộng, tề, phơi… nên cần rất nhiều nhân công.

Bạn sẽ thích thú vì được xem vũ điệu “búng lác”, xen lẫn sự tò mò về cây cỏ dại, về nghề đan thảm, dệt chiếu ở xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh).

Từ TT Vũng Liêm theo ĐT907 và rẽ vào những con đường nhựa rợp bóng cây bạn sẽ bắt gặp được những cánh đồng lác xanh rì, những căn chòi tạm giữa cánh đồng lác đang thu hoạch, nhộn nhịp, rôm rả tiếng nói cười. Liếc mắt vào những ngôi nhà cặp lộ, bạn sẽ bắt gặp những cô gái đang ngồi chải bao lác, xe lõi lác, dệt chiếu, đan thảm.

Hiếu kỳ, chúng tôi dừng lại ở xã Trung Thành Đông xem người dân thu hoạch lác, với nhiều công đoạn như phát, giũ, gom, bó, dộng, tề, phơi… nên cần rất nhiều nhân công. Để không tốn nhiều chi phí nên người dân ở đây hay vần công với nhau, hôm nay làm cho người này mai lại trả công cho người kia. Và nhiều người cho biết “làm lác rất cực”.

Xa xa, người đàn ông tay cầm cây phảng dài phát nhát phảng sát gốc lác, tay cầm cây cù nèo vơ lác gom qua một bên. Cây phảng, cù nèo là sự “kết duyên” rất độc đáo. Cây phảng phát huy được tác dụng phải có sự giúp sức của cây cù nèo. Hai nông cụ luôn “song hành” trên những cánh đồng. Người dân thường dùng để phát cỏ, phát gốc rạ, phát lác ở vùng đất Nam Bộ. Cây phảng dài, nặng và cần nhát phảng “ngọt” để lác đứt lịm nên cần lực. Công đoạn này những người đàn ông thực hiện.

Khi lác được phát ngã xuống, những người phụ nữ giũ, gom. Tiếp đó, những người đàn ông đưa bó lác lên cao rồi dập mạnh một đầu xuống mặt đất gọi là “dộng”, để tề gốc và ngọn cho hai đầu bằng nhau. Đến công đoạn chẻ lác, người dân dùng máy chuyên dụng “bàn chẻ” để chẻ nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và cọng lác cho ra đều hơn, ít lỗi hơn so với dùng dao ngày trước.

Lác được phân loại, cây lác tốt có độ dài từ 1,6-2m. Có những cây lác dài trên 2m được bán giá cao nhưng số lượng không nhiều.

Chú Sáu cho biết: Lác chẻ xong được bó thành từng bó đem phơi từ 1-2 ngày tùy vào “đẹp trời” hay “xấu trời”. Mùa này thu hoạch ít nên vần công làm. Đến khoảng tháng Giêng, tháng 2, mùa lác đông ken của ai nấy phát và không có nhân công nên phải tranh thủ làm đêm. Lúc ấy trên các cánh đồng sáng ánh đèn. Rất vui.

Giai đoạn thu hút chúng tôi là giũ lác và búng lác. Bó lác được cột chặt một đầu, người dân cầm bó lác lên bắt đầu công đoạn giũ lác. Giũ lác để loại bỏ những cọng lác ngả màu, cộng lác quá ngắn hay rác rến. Bó lác xanh tươi ấy uốn lượn theo nhịp tay người giũ. Và công đoạn búng lác để phơi. Bó lác được xõa ra đều và trông rất đẹp mắt, nhiều người ví như một vũ điệu. Người thực hiện động tác giũ lác, búng lác như một nghệ sĩ thực thụ.

Tìm hiểu về sự xuất hiện của cây lác, nhiều người lớn ở đây cho biết: Đây là loài mọc hoang ở vùng đất nhiều phù sa. Trước được người dân sử dụng để gói bánh, bó lúa, bó rơm… Sử dụng để làm chiếu, làm đệm, tấm vách nhà... Và người dân đem cây lác hoang về trồng ở thửa ruộng, trở thành cây kinh tế của vùng này. Không ít người dân ở đây gắn bó với cây lác 30-40 năm. Lác trồng từ 3-4 tháng thu hoạch vì vậy một năm có thể trồng được 3-4 vụ lác.

Cây lác thân thiện với môi trường nên được sử dụng rộng rãi. Theo người dân, lác không “sợ ế”, lác được lái mua ngay khi người dân đã phơi khô. Bên chiếc máy đang xoay liên tục, chị Nguyễn Thị Chi với đôi tay thuần thục trong công đoạn chải bao lác, cho biết: Hiện giá lác rớt giá chỉ còn khoảng 13.000-14.000 đ/kg, chứ mấy tháng trước giá lác lên đến 26.000- 28.000 đ/kg.

Người dân cho biết, cực nhưng vẫn làm vì cây lác chịu được mặn, được phèn, ít tốn chi phí và vì gần cả đời “sống” với cây lác.

Một ngày trên cánh đồng lác xanh rì, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống bình yên của những người dân chất phác nơi đây.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG