Con trâu trong đời sống xã hội

Cập nhật, 18:12, Thứ Ba, 03/10/2023 (GMT+7)
Được tạc tinh xảo và phủ một lớp sơn bóng, đôi trâu trông như thật. Đôi trâu và cuộn rơm đã mang đến sự độc đáo cho không gian trưng bày.
Được tạc tinh xảo và phủ một lớp sơn bóng, đôi trâu trông như thật. Đôi trâu và cuộn rơm đã mang đến sự độc đáo cho không gian trưng bày.

Xe bon bon trên QL53 hướng từ Vĩnh Long đi Trà Vinh, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hình tượng con vật tạc bằng xi măng được người dân trưng bày cặp lộ khá nhiều. Trong đó, có rất nhiều tượng trâu.

Tại sao lại chọn hình tượng con trâu nhỉ? Rồi tự mình đi tìm câu trả lời. Trâu là loài vật nằm trong 6 loài gia súc gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, heo được loài người thuần dưỡng sớm trong thời đại đồ đá mới. Cách nay khoảng 4.000 năm. Từ xa xưa trâu luôn là con vật gần gũi, thân quen của người Việt Nam. Trâu trở thành sức kéo quan trọng nhất của nền văn minh lúa nước. Và cũng là tài sản quan trọng nhất trong gia đình của người nông dân. Và được xác định qua 3 việc lớn của người đàn ông: “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”.

Trâu gắn liền với nét văn hóa ngàn đời vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trâu có mặt trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong xã hội. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh mục đồng ngồi đọc sách trên lưng trâu; bên lũy tre các em nhỏ nô đùa bên đàn trâu đang gặm cỏ; cánh diều đang bay trên bầu trời, đàn trâu nằm tắm dưới bờ kênh; buổi chiều tà đứa trẻ dắt trâu về trên con đê;… Đã bao đời, con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân.

Có người ví sừng trâu cong giống hình vầng trăng khuyết. Những rãnh song song nằm ngang trên sừng trâu ấy giống với hình ảnh của sóng nước. Từ hình dáng và cấu trúc của sừng trâu nên sừng trâu được sử dụng làm chiếc tù và. Theo PGS.TS Dương Văn Sáu: “Chiếc tù và làm bằng sừng trâu do cấu trúc to dần từ chóp sừng to ra cùng với các nếp sóng do hệ thống vân rãnh trên vỏ sừng trâu sẽ tạo ra sóng âm thanh được phóng đại to dần lên, kích thích tinh thần quân sĩ, tăng thêm sức mạnh (người ta ví: khỏe như trâu), xông lên tiêu diệt quân thù…”.

Da trâu thì được sử dụng để làm trống. “Những chiếc trống lớn bọc da trâu được gọi là trống sấm dùng trong chiến trận để khích lệ tinh thần quân sĩ xông lên giết giặc, lập công. Trống sấm, trống đại dùng trong các đình chùa vào dịp lễ hội để quảng uy âm thanh, báo hiệu, thu hút, mời gọi bách tính tụ hội chốn đình chung tham gia hội lễ”, theo PGS.TS Dương Văn Sáu. Tại sao người ta lại lấy da trâu làm trống? Con trâu vốn có sức khỏe, sự kiên trì, bền bỉ trong kéo cày, làm các công việc nặng nhọc đến thành công nên da trâu được dùng làm các dụng cụ báo hiệu, thúc giục, cổ vũ, khích lệ số đông người chuyên cần, chăm chỉ tấn tới, tiến lên. Do đó, trống còn được sử dụng để điều khiển nề nếp sinh hoạt, học tập, trong các trò chơi hội hè, Trung thu,…

Từ lúc nằm nôi, con trâu đã nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ theo lời ru của bà, của mẹ: “Ví dầu, ví dẩu, ví dâu/ Ví qua, ví lại, ví trâu vô chuồng/ Vô chuồng trâu lại trâu ra/ Ta lại ví nữa ví trâu vô chuồng” hay “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Con trâu biểu trưng cho sự hiền lành, bình yên, no đủ. Con trâu có vóc dáng to lớn, biểu trưng cho sức mạnh.

Trong “Mùa len trâu”, nhà văn Sơn Nam đã xác định rất nhiều trâu được người dân nuôi dù điều kiện rất khó khăn: “Trâu của trăm chủ khác nhau gom lại chung một bầy, tha hồ lấn hiếp, chém lộn; bầy trâu gần bốn trăm con mà chỉ có năm sáu người chăn giữ”. Và nhà văn tả về sức mạnh của trâu: “Trâu chạy ầm ầm. Không mấy chốc, tràm gãy rôm rốp ngã liệt xuống, lõm rừng trở thành một cái đầm rộng lớn”. Và chăn trâu không dễ đâu nhe, nhà văn Sơn Nam cho rằng: “Chăn trâu còn khó hơn điều binh khiển tướng” và “Nhiều người lúc nhỏ chăn trâu mà tới lớn được làm vua”.

Từ biểu trưng và để nhắc nhớ một thời “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, chắc thế, ngày nay hình ảnh con trâu quen thuộc với người nông dân được tạc tượng và trưng bày rất nhiều nơi.

Bài, ảnh: VIỆT THẮNG