Sử vàng kháng chiến

Từ thầy thuốc- bệnh nhân đến vợ chồng Anh hùng quân đội

Cập nhật, 16:25, Chủ Nhật, 27/02/2022 (GMT+7)

 

Ông Văn Anh và bà Út Hạnh.
Ông Văn Anh và bà Út Hạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên quê hương Đồng khởi Bến Tre có một mối tình rất đẹp được nhiều người ngưỡng mộ: anh là một thầy thuốc quân y trong quá trình chăm sóc thương bệnh binh đã có nhiều năm tận tình chăm sóc một nữ bệnh nhân bệnh tình rất nặng, rồi họ phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng.

Có một điều đặc biệt nữa là họ đều được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/2/2010. Trường hợp hiếm có ấy là của đôi vợ chồng Văn Anh- Út Hạnh.

Ông Văn Anh tên thật là Đoàn Văn Thời, sinh năm 1925, ở xã An Định (huyện Mỏ Cày- Bến Tre). Ông được nhiều người trong vùng kháng chiến của tỉnh Bến Tre biết đến trên cương vị người thầy thuốc quân đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, thương vong của lực lượng kháng chiến ngày càng nhiều, Huyện ủy Mỏ Cày phân công ông Văn Anh củng cố lại quân y huyện.

Do cuộc chiến ác liệt và nguồn tài chính của huyện kém, để đảm bảo duy trì hoạt động của trạm trong vùng giải phóng, bên cạnh việc vận động nhân dân ủng hộ và bảo vệ cho trạm, ông Văn Anh đã chú ý tìm trong dân các bài thuốc Nam gia truyền để trị bệnh cho thương bệnh binh và người dân trong vùng. Cố gắng này giúp trạm thay thế khoảng một phần ba thuốc tân dược phải dùng, mà các loại thuốc Nam này vừa dễ tìm vừa hiệu nghiệm.

Giải quyết việc thiếu thốn y cụ, nghe ở đâu có máy bay địch bị ta bắn rơi thì ông tìm đến để lấy những bộ phận bằng inox rồi mày mò chế thành các y cụ phục vụ cho việc điều trị các thương binh. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Trưởng Ban Quân y huyện Mỏ Cày ấy làm sao nhớ hết số thương bệnh binh và nhân dân trong vùng đã được mình cùng đồng đội trị khỏi bệnh và thương tật. Ấn tượng nhất là họ đã cứu sống hàng trăm ca thương tật rất nặng, có trường hợp tưởng chừng như không qua khỏi. Trong số đó, có một nữ chiến sĩ cách mạng được cơ sở lấy ra từ nhà xác của trại giam địch. Người nữ chiến sĩ ấy chính là cô Út Hạnh, sau này là bạn đời của y sĩ Văn Anh.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Văn Anh tiếp tục được giao nhiệm vụ Trưởng Phòng Y tế huyện Mỏ Cày. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông lại lao vào việc đào tạo con người, củng cố bộ máy y tế cơ sở với muôn vàn khó khăn của những ngày đầu mới giải phóng, góp phần tích cực đưa ngành y tế của huyện Mỏ Cày liên tục phát triển. Năm 1984, do tuổi cao ông được về nghỉ hưu. Với thành tích đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến I, II, III, Huân chương Chiến công I, II, III và nhiều giấy khen và bằng khen của các cấp chính quyền.

Còn người bạn đời của ông Văn Anh là bà Út Hạnh, tên thật là Trần Thị Tiết, sinh năm 1935, tại xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú- Bến Tre). Đây là vùng căn cứ cách mạng nên Út Hạnh tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi, năm 17 tuổi cô đã là đảng viên của Đảng. Với tư chất thông minh và tháo vát, từ nhiệm vụ giao liên, cô nhanh chóng được lãnh đạo tin tưởng giao cho công tác phong trào ở các huyện: Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Để chuẩn bị cho Đồng khởi đợt hai ở tỉnh (tháng 6/1960), cô cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú tổ chức mít tinh để biểu dương lực lượng, thu hút hàng ngàn người tham gia. Lần đó, địch tổ chức nhiều đợt hành quân càn quét, không may cô sa vào tay giặc.

Sau một tháng giam giữ ở Thạnh Phú với mọi đòn tra tấn cực kỳ dã man, nhưng không khai thác được gì ở người nữ chiến sĩ cộng sản gan lì ấy, địch giải cô về Ty Cảnh sát tỉnh Bến Tre. Tại đây, các đòn tra tấn dã man được lập lại với mức ác hiểm hơn. Tàn ác nhất là chúng dùng kềm rứt từng miếng thịt, châm điện khắp người. Hàng ngày, chúng đều dùng ống chích rút máu trong người cô từ một đến hai lần để cô dần kiệt sức mà khuất phục chúng… Những đòn tra tấn tàn độc ấy đã khiến thân thể cô “mềm nhũng” ra và chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, nhưng địch vẫn không khai thác được gì ở cô. Trong một lần khảo tra, cô kiệt sức ngất đi rất lâu. Địch tưởng cô đã chết nên cho quăng xác cô xuống nhà xác. May mắn là cơ sở cách mạng tại chỗ phát hiện đã tìm cách đưa được “xác” cô ra vùng căn cứ. Lúc này, trọng lượng thân thể cô sau thời gian bị địch tra tấn, đày đọa chỉ còn đúng 19,5kg. Đầu gần như không còn tóc. Khi được đưa đến trạm cô chỉ còn thoi thóp thở nằm mê man suốt cả tuần...

Suốt 5 năm được điều trị ở Trạm Quân y huyện Mỏ Cày, cô Út Hạnh được anh y sĩ Văn Anh và các đồng đội ở trạm kiên trì theo dõi điều trị và chăm sóc, kể cả nhiều lần tiếp máu cho cô… Từ cảm phục tinh thần chiến đấu sắt đá của cô nữ bệnh nhân đặc biệt ấy, anh y sĩ Văn Anh đã dành cho cô một tình cảm cũng rất đặc biệt. Để đảm bảo an toàn cho cô mỗi lần có giặc càn vào vùng đặt trạm, anh còn nhờ một người cháu gái của mình theo sát Út Hạnh, kể cả lúc cần phải lánh địch dưới hầm bí mật. Sức sống của Út Hạnh vươn lên thật kỳ dịu, cùng với tình yêu và tình đồng đội, cô không những chiến thắng kẻ thù mà chiến thắng cả thần chết.

Sức khỏe dần được phục hồi cô lại lao vào con đường cách mạng mà mình đã chọn. Năm 1974, cô được tín nhiệm bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre, được phân công Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và giữ nhiệm vụ này trong suốt 2 nhiệm kỳ. Tháng 4/1987, vì lý do sức khỏe, cô được nghỉ hưu. Với thành tích trong kháng chiến, cô Út Hạnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng I, II, Huân chương Kháng chiến I, II và là thương binh 1/4.

Đôi vợ chồng Văn Anh- Út Hạnh sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục nhiệm vụ đảng viên của Đảng, tham gia tốt các công tác… Họ có 3 người con đặt tên là: Nhân, Nghĩa, Hiếu, trong đó có 2 người con nối nghiệp ông bà là sĩ quan trong lực lượng Công an tỉnh. Đại tá Đoàn Thị Bé Nhân, con gái cả của ông bà, nhớ lại cha mẹ cô luôn nhắc nhở các con phải sống sao cho xứng đáng với cái tên của mình. Gia đình ông bà là gia đình mẫu mực được nhân dân địa phương quý mến.

Ngày 29/4/2010, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước ký cho ông bà nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

HỒNG VÂN