Ngược gió dòng Cổ Chiên

Cập nhật, 06:30, Thứ Bảy, 19/02/2022 (GMT+7)

 

Ghe tàu chở hàng hóa tăng tốc qua cống Cái Hóp giờ mở cửa.
Ghe tàu chở hàng hóa tăng tốc qua cống Cái Hóp giờ mở cửa.

Rằm tháng Giêng, gió chướng thổi mạnh từ Biển Đông theo sông chạy sâu vào nội đồng. “Gió lớn là xâm nhập mặn càng sâu”- người dân sống dọc tuyến sông Cổ Chiên có kinh nghiệm “nghe gió”, “nhìn sóng nước lăn tăn”… để đoán mặn đã vào sông tới khúc nào.

Chúng tôi ngược gió từ nội đồng ra hướng cửa sông “nghe gió” qua những câu chuyện mùa vụ, sản xuất của bà con nông dân- từ “ngán mặn” đã dần chủ động thích nghi và cảm nhận “làn gió mới” bên dòng Cổ Chiên rợp xanh bóng dừa.

Ghe tàu nối đuôi qua cống Cái Hóp

Từ Đường tỉnh 907 thuộc huyện Vũng Liêm, chúng tôi dọc theo dòng Cổ Chiên đến cống Cái Hóp (huyện Càng Long, Trà Vinh) đúng lúc vận hành mở cửa cho ghe tàu qua lại.

Cống Vũng Liêm sẽ đóng cửa khi độ mặn trên sông lên cao.
Cống Vũng Liêm sẽ đóng cửa khi độ mặn trên sông lên cao.

Hàng chục chiếc ghe chở đầy dừa khô, cát đá… ken đặc hai phía sông “dô ga hết số” nối đuôi nhau vượt cống trong tiếng máy nổ rền vang.

Thời gian cống mở cửa cho ghe tàu qua lại trên dòng nước chảy cuồn cuộn là cảnh tượng vô cùng thú vị rất đáng “chờ đợi để quay phim, chụp hình”…

Được đưa vào sử dụng từ năm 2006, cống Cái Hóp (người địa phương quen gọi cống 7 cửa để phân biệt với cống 10 cửa là cống Láng Thé) rộng 70m, là công trình giữ ngọt, ngăn mặn cho hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp thuộc huyện Càng Long (Trà Vinh) và một phần huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Thực hiện “nhiệm vụ kép” phục vụ giao thông thủy và ngăn mặn. Bình thường, ghe tàu qua lại giao thương, vận chuyển hàng hóa, nhưng khi mặn xâm nhập mạnh thì các cửa cống phải đóng lại để ngăn mặn, trữ ngọt.

“Ghe tàu qua lại thường phải liên hệ ngành chức năng để biết lịch đóng- mở cống”- anh Nguyễn Thanh Liêm- cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ (Càng Long- Trà Vinh) cho biết. 

Thanh long xen ruộng lác ở xã Đức Mỹ (Càng Long, Trà Vinh).
Thanh long xen ruộng lác ở xã Đức Mỹ (Càng Long, Trà Vinh).

Để đảm bảo an toàn, thực hiện kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô năm 2022, Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long đã thông báo đến các chủ tàu, ghe, người dân về thời gian vận hành giao nước phục vụ tàu, thuyền qua lại cống Láng Thé và cống Cái Hóp trong mùa mặn.

Tại cống Cái Hóp, hiện do độ mặn chưa cao nên hướng vận hành vào 2 ra 1. Nếu mặn lên cao sẽ có thông báo tiếp tục.

“Thời điểm này mặn không căng thẳng như mọi năm. Cống Cái Hóp điều tiết nguồn nước sản xuất, góp phần phát triển diện tích cây ăn trái như dừa, bưởi, thanh long… và giúp cho địa phương có định hướng rõ hơn về quy hoạch các tiểu vùng sản xuất”- anh Liêm cho biết thêm.

Mặt khác, “mùa này gió chướng thổi mạnh nước biển lên. Gió càng lớn là độ mặn càng lên nhanh. Từ trước Tết đã có gió nhẹ nên người dân nghe gió là biết mặn sắp tới”- anh Liêm nói từ những kinh nghiệm sản xuất và hệ thống quan trắc hiện đại, chính quyền và người dân ở đây đã chủ động được giải pháp ứng phó với hạn mặn.

Huyện Càng Long chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều Biển Đông thông qua sông Cổ Chiên và hệ thống sông rạch trên địa bàn huyện như: sông Cái Hóp- An Trường, sông Láng Thé- Ba Si, hệ thống kinh Trà Ngoa…

Hàng ngày nước lên xuống 2 lần, mỗi tháng có 2 lần triều cường và 2 lần triều kém. Những năm lưu lượng mùa kiệt ở thượng nguồn về thấp, mặn sẽ xâm nhập và gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Chuyển đổi và thích nghi

Tuy dự báo tình hình hạn mặn năm nay sẽ không quá gay gắt như những năm trước, nhưng các địa phương cho biết đã chủ động phương án đề phòng. Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: “Huyện liên tục theo dõi tình hình mặn, đề phòng từ xa.

Khi Láng Thé, Cái Hóp độ mặn lên 1‰, thì các cống Vũng Liêm, Nàng Âm phải đóng và thông báo cho người dân đóng cống, bộng mương vườn vì nước mặn đã sát mình rồi.

Rút kinh nghiệm từ các đợt hạn mặn trước, người dân đã chủ động hơn, tự trang bị thiết bị đo độ mặn, đào ao, tích trữ nước trong mương vườn. Để thích ứng với hạn mặn, nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, hạn chế tác động của xâm nhập mặn. Không còn chuyện nước đến chân mới nhảy”.

Bên cạnh chủ động tìm giải pháp ứng phó hạn mặn, nhiều địa phương còn xác định phát triển thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước tăng năng suất và sản lượng cây trồng; nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp.

Tại Vũng Liêm, huyện đã đầu tư, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, làm cơ sở, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, phù hợp với thực tế của địa phương.

Ông Dương Ái Đạo cho rằng, cùng với việc hoàn thiện các công trình thủy lợi, tạo cơ sở ban đầu cho người dân về nguồn nước ngọt ổn định sản xuất, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng nhanh chóng được thực hiện.

Mạnh dạn chuyển sang trồng lác- loại cây thích ứng tốt hạn mặn, đã đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Gắn bó với cây lác hơn chục năm, chú Nguyễn Văn Tài (xã Trung Thành Đông), cho hay: “Trồng lác tuy cực công nhưng có ăn hơn trồng lúa, đầu ra khỏe re lại không lo bị nước mặn”.

Vùng trồng lác từ Trung Thành Đông kéo dài xuống tới xã Đức Mỹ (Càng Long- Trà Vinh), diện tích trồng lác chiếm 60% đất nông nghiệp của xã. Tại huyện Càng Long, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

“Làn gió mới” bên dòng Cổ Chiên.
“Làn gió mới” bên dòng Cổ Chiên.

Trong đó, 2 cống đập lớn là Láng Thé và Cái Hóp thuộc dự án ngọt hóa Nam Mang thít, kết hợp với hoàn chỉnh hệ thống đê bao, cống bộng gắn với xây dựng đường giao thông nông thôn... đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi.

Thực tế, cùng với các giải pháp công trình kết hợp giải pháp phi công trình đã góp phần giúp các địa phương giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và đang dần tìm ra hướng đi phù hợp để thích ứng nhanh hơn.

Nói như anh Nguyễn Thanh Liêm: “Nhờ hệ thống cống, người dân giảm được thiệt hại do hạn mặn. Từ đó, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa thích ứng thị trường vừa thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn”.

“Làn gió mới” bên dòng Cổ Chiên

Hương lộ 1 từ xã Đức Mỹ qua nhiều cống đập, đến cầu Cổ Chiên chạy thêm vài cây số sẽ tới cống Láng Thé (xã Đại Phước), chúng tôi cảm nhận “làn gió mới” qua những cánh đồng lác xanh mướt xen thanh long, vườn dừa bạt ngàn. Từ cầu Cổ Chiên nối đôi bờ, nhịp sống đã thấy nhiều đổi mới hơn.

Tận dụng “view” sông nước và cầu Cổ Chiên duyên dáng, bên đây Trà Vinh nhiều hàng quán mọc lên ven sông, thì bên kia bờ Bến Tre cũng sôi động không kém… tạo nên những điểm “check in, sống ảo” yêu thích cho bạn trẻ và du khách.

Chúng tôi cũng ghé Sông Quê- một địa điểm khá nổi tiếng bên bờ Mỏ Cày Nam- Bến Tre để “chụp hình sống ảo”. Từ đây, có thể ngắm nhìn chiếc cầu Cổ Chiên với từng chiếc xe “xíu xiu” di chuyển trên cầu, rặng dừa nước lao xao, gió thổi từ sông Cổ Chiên vào, mát rười rượi.

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY