Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Kỳ cuối: "Cám ơn bác sĩ đã cứu mẹ con em!"

Cập nhật, 08:54, Thứ Năm, 12/08/2021 (GMT+7)

 

Đây là một ca mổ “bắt con” cấp cứu đặc biệt cho sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 của ê kíp y- bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Bé gái nặng 4kg chào đời khỏe mạnh.
Đây là một ca mổ “bắt con” cấp cứu đặc biệt cho sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 của ê kíp y- bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Bé gái nặng 4kg chào đời khỏe mạnh.

Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Vĩnh Long với số ca mắc trong cộng đồng vượt hơn 1.500 ca tính đến 11/8. Những ngày qua, có rất nhiều y- bác sĩ đang thầm lặng ngày đêm phân luồng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, khám bệnh và chăm sóc cho các bệnh nhân (BN) tại các bệnh viện, cơ sở cách ly. Trên những tuyến đầu chống dịch gian nan, căng thẳng và vất vả là những cống hiến thầm lặng, sự tận tụy hết lòng vì BN của những “chiến sĩ áo trắng”. Và, chính họ là người đem lại niềm tin, sự an tâm cho BN rằng mình có thể vượt qua, có thể tìm được cuộc sống, có thể chiến thắng COVID-19.

“Tụi con sẽ trị cô khỏi bệnh, cô yên tâm nha!”

“Cô vô viện là cô mệt, cô lo sợ, cô thở hơi lên không hà. Bác sĩ Đại và điều dưỡng Hòa trấn an “cô vô đây rồi, tụi con sẽ trị cô khỏi bệnh, cô ráng lên, yên tâm nha”. Tay cô khó tìm mạch nên ghim nước biển, vô thuốc khó, 2 đứa trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi bết tóc, nhẫn nại tìm mạch. Cô nhìn muốn rớt nước mắt, thương quá chừng. Cô ho nhiều thì chạy vô đỡ, vỗ lưng cho nhẹ đàm rồi chỉ cô cách nằm sấp cho dễ thở. Lúc khỏe, cô chưa từng nghĩ có ngày những y- bác sĩ trẻ là nam lại ân cần điều trị, thậm chí còn lau chùi, vệ sinh, an ủi mình từng ngày đêm như thế”- cô L.T.G. (45 tuổi, huyện Cái Bè- Tiền Giang) kể về bác sĩ Trương Đại Đại và điều dưỡng Nguyễn Đức Hòa trong hơn 1 tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện (BV) Phổi tỉnh Vĩnh Long.

Cô G. (BN 13549) từ Tiền Giang sang Vĩnh Long khám bệnh và là ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vào ngày 21/6. Bác sĩ trẻ Trương Đại Đại là bác sĩ túc trực khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 liên tục hơn 2,5 tháng để điều trị các ca mắc là công dân Việt Nam trở về từ Malaysia và Indonesia. Song, dịch bệnh bùng phát nhanh và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, với nhiều ca bệnh diễn biến nặng nên Đại Đại cùng đồng nghiệp phải làm việc với cường độ thật cao. “Trong quá trình điều trị, sức khỏe cô G. nhiều lần trở nặng, huyết áp tuột, suy hô hấp nặng, chỉ số bão hòa oxy trong máu SpO2 xuống rất thấp, phải duy trì thở máy. Diễn tiến bệnh nhanh, tôi và anh Hòa theo dõi bệnh sát sao, không chủ quan. Cô G. rất sợ, cô thều thào ráng cứu cô, con ơi”- bác sĩ Đại Đại kể.

Cô lo lắng, cô khóc. Đại gia đình cô bên Tiền Giang bệnh hết 15 người. Cô may mắn hơn các BN khác là có con trai nằm viện cùng nhưng do bệnh diễn tiến nặng, cô phải thở máy. “2 đứa cứ thay phiên nhau cứ hơn 1 giờ là vô thay ca, túc trực 24/24, thăm khám, theo dõi các chỉ số trên máy, rồi trấn an, động viên cô để cô mau khỏe. Có bữa, 2 đứa nói “cô ơi, bệnh đông, hôm nay tụi con đuối quá rồi”. Nói rất nhỏ nhẹ, không hề quạu. Cô rớt nước mắt luôn!”- cô G. tâm sự.

Cô L.T.G. có diễn biến bệnh nặng, phải thở máy nhiều ngày đã được xuất viện.
Cô L.T.G. có diễn biến bệnh nặng, phải thở máy nhiều ngày đã được xuất viện.

Con trai cô G. là N.T.L. biết ơn các y- bác sĩ và xem họ như ân nhân của 2 mẹ con mình. “2 anh chăm mẹ con em như người trong nhà vậy đó. Mẹ tâm lý bất an, các anh động viên suốt. Lúc em chưa phát bệnh, em còn phụ chăm mẹ, thay nước bình oxy, theo dõi chỉ số của mẹ bởi mấy anh làm ngày đêm chăm cho mẹ và các BN khác. Sau đó, em cũng bị sốt, cục amiđan sưng to, mệt uể oải. Mẹ đi vệ sinh, cần thay tã, kêu em nhưng anh Hòa nói mẹ để em ngủ cho khỏe, rồi anh làm cho mẹ em hết luôn”- em L. nói.

Gần 1 tuần thở máy, sức khỏe cô hồi phục và cai được máy thở. Nhưng kết quả xét nghiệm vẫn cứ dương tính hoài nên cô cũng hoang mang, cứ thút thít khóc hoài. Song, nhờ các y- bác sĩ liên tục động viên cố gắng tập thở, ăn uống, ngủ đủ, vận động thể dục nhẹ nhàng để vượt qua bệnh. Sau 37 ngày điều trị tại bệnh viện, chứng kiến sự miệt mài của các y- bác sĩ, cô G. rất trân quý tấm lòng y đức, sự quan tâm của y- bác sĩ cũng ấm áp như gia đình, cô biết trân quý sức khỏe mình hơn. Chiều 28/7, cầm giấy xuất viện trên tay, cô rất vui mừng và hạnh phúc.

“Tuy quá trình điều trị phức tạp, không giống thông thường nhưng khi thấy niềm vui của BN và người nhà, nhận từ họ những lời cảm ơn, lòng tập thể y- bác sĩ BV ấm lại và càng có nhiều động lực hơn nữa để chiến đấu với đại dịch, vì sức khỏe nhân dân”- bác sĩ Đoàn Văn Hùng- Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.

Ca mổ đẻ cấp cứu đặc biệt

Khi tiếng khóc chào đời của bé gái nặng 4kg cất lên, không chỉ người mẹ trào nước mắt, mà ê kíp y- bác sĩ của BVĐK tỉnh Vĩnh Long cũng xúc động và thở phào nhẹ nhõm. Đây là một ca mổ “bắt con” cấp cứu đặc biệt, vì sản phụ nhiễm SARS-CoV-2.

Sản phụ 33 tuổi (TX Bình Minh) mang thai 38 tuần, con lần 3, có dấu hiệu suy thai trong chuyển dạ. Trước đó, sản phụ là F1 do tiếp xúc với chồng là F0, nên được cách ly và theo dõi thai kỳ tại TTYT huyện Tam Bình. Ngày 17/7, BN được xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và có dấu hiệu suy thai nên TTYT huyện Tam Bình chuyển sản phụ đến BVĐK tỉnh điều trị.

Khi tiếp nhận điều trị cho 2 sản phụ (còn 1 sản phụ mắc COVID-19 mang thai 34 tuần), bác sĩ Trần Thị Hằng (Khoa Sản BVĐK tỉnh) cho biết: “Lần đầu thăm khám cho sản phụ mình cũng có chút lo. Em mang thai nặng nề, người bầu bình thường ho là đã khó chịu, trằn bụng rồi huống chi tuần cuối thai kỳ còn mắc COVID-19, nằm viện một mình không có người thân, lại đeo khẩu trang suốt nên em khó thở và rất mệt. Vì vậy các bác sĩ, điều dưỡng sẽ đóng cả vai trò là người nhà chăm sóc thai phụ.”. Bác sĩ Hằng tiếp lời: “BN bị suy hô hấp, tim thai 180 lần/phút và có dấu hiệu suy thai. Em nắm lấy tay tôi và nói: Bác sĩ ơi cứu mẹ con em với, em khó thở, mệt quá rồi!”

Trước tình hình đó, ê kíp y- bác sĩ quyết định cần phải phẫu thuật, giúp bé chào đời sớm để an toàn tính mạng cho 2 mẹ con và chuyển ngay sản phụ xuống phòng mổ dã chiến, nằm tách biệt trong khu điều trị BN COVID-19 của BV.

Thời gian chuẩn bị cho ca mổ đặc biệt này sẽ lâu hơn so với bình thường nên phải tiến hành mổ càng sớm càng tốt. Bác sĩ Trần Thị Hằng và ê kíp vẫn nhớ rõ từng giây phút trong ca mổ đặc biệt đầu tiên trong nghề: “Chị vừa căng thẳng vừa hồi hộp. Một phần vì phải khoác 3 bộ áo quần, ngoài bộ áo quần vô trùng sử dụng trong phòng mổ còn phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch COVID-19. Đeo khẩu trang rồi mang kính chống giọt bắn bị phà hơi vẫn căng mắt, căng sức và phải bình tĩnh, làm động tác mổ chính xác để đem đứa bé ra khỏi bụng mẹ an toàn”.

Bé gái nặng 4 ký, sinh ra bị thiếu oxy, được hồi sức tại phòng mổ. Chỉ khi tiếng khóc bé cất lên đã truyền năng lượng tích cực, xua tan căng thẳng cho ê kíp. Chúng tôi xúc động, hạnh phúc lắm. Còn sản phụ thì nắm lấy tay, chảy nước mắt thều thào, cám ơn bác sĩ đã cứu mẹ con em”.

Ra khỏi phòng mổ đặc biệt, cả ê kíp phẫu thuật mới cởi mấy lớp đồ bảo hộ, thì quần áo bên trong ướt sũng. Song, ai nấy đều lâng lâng hạnh phúc vì đã mổ cấp cứu thành công cho sản phụ mắc COVID-19 được “mẹ tròn con vuông”. Mầm sống mới đã nẩy trọn vẹn. Trong khó khăn gian khổ, tiếng khóc của bé gái sơ sinh vực dậy tinh thần và niềm tin cho tất cả những ai chứng kiến, tiếp thêm hy vọng và niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 cho các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

Cuộc sống sẽ trở lại bình thường, những chiến sĩ áo trắng sẽ trở về sum vầy hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình chỉ khi đại dịch được đẩy lùi. Xin hãy tri ân các “chiến sĩ áo trắng”, lực lượng tuyến đầu bằng trái tim và bằng hành động tích cực của mình. Sự tri ân này thể hiện bằng việc hãy xem chính mình là một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch. Chỉ có nghiêm túc tuân thủ chặt chẽ quy định “5K” và giãn cách xã hội nghiêm túc, bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, đẩy lùi được đại dịch.

Bức thư của bé Ngọc Uyên (8 tuổi, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) gửi lời cảm ơn các y- bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 3 (Tam Bình).
Bức thư của bé Ngọc Uyên (8 tuổi, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) gửi lời cảm ơn các y- bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 3 (Tam Bình).

Ai cũng có thể yêu nước theo cách của riêng mình, ai cũng có thể trở thành một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Ở nhà là yêu nước, thực hiện khuyến cáo “5K” là yêu nước, hãy củng cố tấm lá chắn chống dịch của chúng ta bằng những hành động cụ thể của mỗi người; hãy trở thành hậu phương vững chắc cho các y- bác sĩ tuyến đầu.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời- Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị của tỉnh và nhân dân đã vào cuộc cùng thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” với mục tiêu và quyết tâm sớm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho từng người dân. “Lãnh đạo tỉnh cũng tri ân sâu sắc đội ngũ y- bác sĩ, lực lượng công an, quân sự tham gia tuyến đầu chống dịch; sự nỗ lực chung tay của cả hệ thống chính trị, cũng như các tổ chức, cá nhân đã tích cực hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

>> Kỳ 1: “Áo trắng” sẵn sàng đi vào “tâm dịch”

>> Kỳ 2: Chuyện về những "chiến sĩ áo trắng"

 

Các tin khác: