Con chồng, mẹ kế mất lòng vì tài sản thừa kế

Cập nhật, 13:18, Thứ Ba, 27/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Do người mất không để lại di chúc nên con chồng kiện mẹ kế đòi lại nhà đất thuộc tài sản chung hộ gia đình, dẫn đến tình cảm đôi bên vốn không tốt đẹp càng thêm căng thẳng.

Ông T.N.T. và bà N.T.Y. (ở TP Vĩnh Long) chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn và có 4 người con chung. Tháng 3/1987, bà Y. chết.

Sau đó một năm, ông T. chung sống và kết hôn với bà N.T.H.M., có một con gái là chị T.T.M.Tr.. Trước khi kết hôn với ông T., bà M. có một con riêng là anh N.M.Đ..

Năm 2015, ông T. chết để lại khối tài sản gồm 7 thửa đất, một căn nhà cấp 4 cùng 2 căn nhà tạm và cây trồng trên đất nhưng không có di chúc. Các tài sản này đều do bà M. quản lý, sử dụng.

Những người con riêng của ông T. cho rằng đây là tài sản chung của gia đình nên yêu cầu được hưởng 3/4 tài sản, phần ông T. là 1/4 còn lại chia theo thừa kế thành 6 phần bằng nhau cho 4 người con riêng của ông T., bà M. và chị Tr..

Riêng bà M. và chị Tr. phải giao trả nhà đất và cây trồng. Các con ông T. đồng ý cho bà M. và chị Tr. lưu cư 4 tháng và hỗ trợ chi phí di dời 10 triệu đồng.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 12/8/2020 và quá trình giải quyết vụ án, bà M. trình bày: Nhà đất là tài sản cá nhân ông T. chứ không phải tài sản chung của 4 người con của ông T. với người vợ trước.

Mặc dù ông T. chết không để lại di chúc nhưng có đơn xin chia đất ngày 2/5/2014 được UBND phường xác nhận.

Theo đó, bà M. được ông T. chia cho 500m2 đất, phần diện tích đất vườn còn lại chia đều cho tất cả các thành viên trong gia đình. Riêng nhà chính và 2 căn nhà tạm, ông T. để lại cho bà M. thừa hưởng để thờ cúng ông khi qua đời.

Ngoài ra, vào ngày 23/10/2013, ông T. có làm giấy tay chuyển nhượng phần đất diện tích 480m2 cho con riêng của bà M. là anh Đ. và đã nhận cọc 2 lần với tổng số tiền 95 triệu đồng.

Do đó, bà M. yêu cầu tòa chia cho bà 502,5m2 đất cùng căn nhà chính, 2 căn nhà tạm và các tài sản khác gắn liền trên đất; chia cho chị Tr. phần đất 708,1m2.

Riêng anh Đ. yêu cầu tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo giá thỏa thuận là 400.000 đ/m2. Anh Đ. đã đưa trước 95 triệu đồng nên đồng ý giao tiếp phần còn lại hơn 81,7 triệu đồng.

Nếu hợp đồng bị vô hiệu thì 4 người con của ông T., bà M. và chị Tr. phải trả lại 95 triệu đồng cùng tiền lãi 79,6 triệu đồng và giá trị cây trồng trên đất hơn 26,1 triệu đồng.

Theo HĐXX, 7 thửa đất ông T. để lại có diện tích đo đạc thực tế là 4.244,3m2, trong đó có 40,9m2 đất ở và 4.203m2 đất trồng cây lâu năm.

Các nguyên đơn cho rằng đây là tài sản chung của hộ ông T. với 4 người con nên yêu cầu chia tài sản chung và thừa kế theo quy định pháp luật. Bà M. thì cho đây là tài sản riêng của ông T. nên yêu cầu chia cho bà và con gái theo đơn chia đất do ông T. lập ngày 2/5/2014.

Tuy nhiên, chứng thực lưu trữ địa chính ngày 26/7/2016 của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Long xác nhận, ông T. kê khai nhà đất thuộc tài sản hộ gia đình, nguồn gốc đất do cha mẹ ông T. để lại.

Tại đơn đăng ký QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở ngày 24/11/1999, ông T. cũng có kê khai tên những người con riêng với vợ trước. Ngày 23/9/2014, ông T. làm thủ tục tách khối tài sản trên thành 7 thửa đất nhỏ.

Do đó, 7 QSDĐ mà các bên đang tranh chấp là tài sản chung của hộ ông T. gồm 4 người con nên yêu cầu chia cho ông T. 1/4 trong khối tài sản chung của các nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp với quy định pháp luật nên được chấp nhận.

Đối với căn nhà chính và 2 căn nhà tạm do ông T. và bà M. xây trong thời gian sống chung. Sau khi ông T. chết, bà M. vẫn sinh sống tại nhà này.

Đây là tài sản do ông T. và bà M. tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh là tài sản riêng của ông T. hay bà M. nên được chia đôi, bà M. nhận 1/2 giá trị thành tiền hơn 139,9 triệu đồng.

Đối với yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông T. với anh Đ. ngày 23/10/2013 là không có căn cứ chấp nhận. Vì ông T. tự định đoạt tài sản chung mà chưa có sự đồng ý của các thành viên còn lại là không phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài ra, nội dung hợp đồng chuyển nhượng không rõ ràng, không có đầy đủ các nội dung như loại đất, vị trí, giá chuyển nhượng, phương thức, thời hạn thanh toán,… nên không đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Do đó, HĐXX đã tuyên bà M. được hưởng 232,5m2 đất và chị Tr. được 138,9m2 theo thừa kế, phần đất còn lại trong tổng diện tích 4.244,3m2 cùng căn nhà cấp 4 và 2 căn nhà tạm, các tài sản khác và cây trồng trên đất được giao cho các con riêng của ông T. quản lý, sử dụng.

Các con ông T. có nghĩa vụ hoàn lại cho bà M. 1/2 căn nhà chính, nhà tạm, hồ nước hơn 139,9 triệu đồng và giá trị cây trồng hơn 67,9 triệu đồng. Buộc bà M. và chị Tr. có nghĩa vụ di dời, giao tài sản và cây trồng trên đất cho các con ông T..

Vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh Đ. với ông T. ngày 23/10/2013, buộc 4 người con của ông T. và bà M., chị Tr. trả lại cho anh Đ. số tiền 95 triệu đồng.

Do các bên đều có lỗi trong việc hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bị vô hiệu nên hậu quả các bên tự gánh chịu, không bên nào phải bồi thường theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự.

DIỄM PHƯỢNG