Hiểm họa từ việc tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép

Cập nhật, 13:18, Thứ Ba, 27/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Theo quy định pháp luật, vũ khí quân dụng (VKQD) được chế tạo, sản xuất để dành cho các lực lượng chức năng thực thi công vụ và có khả năng gây sát thương nên nghiêm cấm việc tự ý sử dụng. Song, thời gian qua, tình trạng tàng trữ, sử dụng VKQD trái phép vẫn xảy ra.

Hành vi này tiềm ẩn nhiều mối hiểm họa, không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

VKQD, trong đó có các loại súng được trang bị cho lực lượng vũ trang cũng như một số lực lượng khác theo quy định để thực hiện chức năng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vì thế, pháp luật nghiêm cấm mọi cá nhân có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VKQD trái phép.

Song, thực tế vẫn có trường hợp những đối tượng tàng trữ, tự ý sử dụng súng với các mục đích như giải quyết mâu thuẫn cá nhân, đối phó lực lượng chức năng khi bị phát hiện hành vi phạm pháp hay đơn giản chỉ là… sưu tầm.

Dù với bất kỳ mục đích nào, hành vi tàng trữ, sử dụng VKQD trái phép cũng bị pháp luật nghiêm cấm.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thực trạng trên.

Nguyên nhân chủ yếu do việc mua bán súng hoặc các linh kiện chế tạo súng diễn ra khá dễ dàng qua mạng xã hội.

Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, chỉ chú trọng lợi ích trước mắt hay phục vụ nhu cầu cá nhân mà chưa hiểu hết được mối hiểm họa khôn lường.

Điển hình như vụ việc của T.Q.S. (ngụ TP Vĩnh Long), vì nổ súng trong lúc giải quyết mâu thuẫn, đối tượng này bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “Tàng trữ, sử dụng trái phép VKQD”.

Trước đó, muốn có súng để phòng thân, S. lên mạng xã hội tìm kiếm và mua một khẩu súng kèm 12 viên đạn với giá 5 triệu đồng.

Sau đó, S. cùng 3 đối tượng nữa hẹn gặp một nhóm thanh niên để giải quyết mâu thuẫn về chuyện tiền bạc.

Khi giáp mặt, S. rút súng bắn nhiều phát để thị uy và cùng đồng bọn rượt đuổi nhóm thanh niên gây náo loạn khu vực. Cơ quan chức năng sau đó đã vào cuộc xử lý, xác định khẩu súng trên là VKQD và tiến hành thu giữ.

Còn trường hợp của T.M.C. (ngụ TP Vĩnh Long) vì thích sưu tầm các loại súng, đối tượng này nhiều lần đặt mua “hàng nóng” trên mạng xã hội để rồi tự mang họa vào thân. C. bị truy tố ra tòa về tội “Tàng trữ trái phép VKQD” và chịu mức án 1 năm 6 tháng tù.

Trước đó, C. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đặt mua 3 khẩu súng, 14 viên đạn với giá 1,5 triệu đồng trên trang mạng xã hội này.

Sau đó, C. tiếp tục đặt mua trên mạng xã hội thêm 3 khẩu súng nữa với giá 2,5 triệu đồng.

C. mang số súng trên cất tại một phòng trọ ở xã Thanh Đức (huyện Long Hồ). Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra hành chính thì phát hiện, thu giữ các khẩu súng trên.

Qua giám định, cơ quan chức năng xác định trong các khẩu súng C. mua có 2 khẩu súng là VKQD, còn tất cả 14 viên đạn đều là đạn quân dụng.

Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm liên quan đến VKQD, bên cạnh những biện pháp nghiệp vụ của ngành chức năng, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, khi phát hiện các hành vi vi phạm phải báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt VKQD, phương tiện kỹ thuật quân sự có thể bị xử phạt tù lên đến án chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 - 5 năm.

PHẠM TẤN