Lừa đảo 33 tỷ đồng, cán bộ ngân hàng lãnh 17 năm tù giam

Cập nhật, 06:21, Thứ Sáu, 16/09/2022 (GMT+7)
Bị cáo Nguyễn Phước Tân (thứ 2 từ phải sang) giữ vai trò chính trong vụ án.
Bị cáo Nguyễn Phước Tân (thứ 2 từ phải sang) giữ vai trò chính trong vụ án.

Để có tiền tiêu xài, Nguyễn Phước Tân (ngụ xã Trung An- Vũng Liêm) dùng thủ đoạn “cần tiền đáo hạn ngân hàng” để huy động vốn của nhiều cá nhân, chiếm đoạt hơn 33 tỷ đồng. 4 bị cáo khác với vai trò đồng phạm giúp Tân thực hiện hành vi lừa đảo cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thủ đoạn “cần tiền đáo hạn ngân hàng”

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố các bị cáo: Nguyễn Phước Tân (SN 1991), Nguyễn Chí Hiếu (SN 1974), Trần Thị Đan Thanh (SN 1976), Đặng Thị Minh Thu (SN 1986) và Lê Ngọc Mai (SN 1974, cùng ngụ xã Lộc Hòa- Long Hồ) cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1, điểm 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, năm 2018, khi đang là cán bộ một ngân hàng có trụ sở ở TP Vĩnh Long, do cần tiền tiêu xài, Tân dựng lên “màn kịch” có người cần tiền đáo hạn ngân hàng để huy động vốn nhàn rỗi của nhiều cá nhân. Cụ thể, Tân làm giả mặt trước bằng cách ghi khống họ tên khách hàng, chứng minh nhân dân, số tiền vay và kết hợp mặt sau của bảng thông báo đồng ý cấp tín dụng của ngân hàng đã được duyệt cho khách hàng khác, sau đó dùng điện thoại di động chụp lại và gửi qua Zalo cho nhiều người “làm tin”. Với thủ đoạn này, từ 25/7/2019 đến 17/10/2020, Tân đã vay, mượn rồi chiếm đoạt hơn 33,7 tỷ đồng của 12 cá nhân.

Ngày 25/7/2019, Tân làm giả biên nhận tên Nguyễn Minh Hậu có địa chỉ ở huyện Tam Bình để vay của bà L.T.L. (ngụ huyện Long Hồ) 2,1 tỷ đồng. Với thủ đoạn cần tiền đáo hạn ngân hàng, đôi bên thỏa thuận miệng với lãi suất 5%/tháng, bà L. tin tưởng nên cho Tân vay tổng cộng 12 lần tổng số tiền hơn 18,4 tỷ đồng. Không chỉ lừa đảo người quen, anh em chú bác ruột với Tân là N.H.N.T. (ngụ TP Vĩnh Long) cũng bị lừa 2 tỷ đồng. Anh T. trình bày: Từ năm 2018, Tân nhiều lần hỏi vay tiền, lãi suất thỏa thuận 15%/tháng và thanh toán đầy đủ. Đến năm 2019, anh cho Tân vay số tiền trên thì bị chiếm đoạt.

Chưa dừng lại, cũng với thỏa thuận lãi suất tương tự, Tân còn vay của mẹ anh T. là bà N.T.M.Th. 3 lần, tổng cộng 2,8 tỷ đồng. Sau khi xảy ra sự việc, bà Th. yêu cầu nhận lại số tiền này, không tính lãi. Theo cáo trạng, hành vi cho vay với lãi suất cao của các cá nhân ngoài lời trình bày của Tân thì không có căn cứ nào chứng minh hoặc một số người thừa nhận nhưng chưa nhận được lãi, Tân chỉ thanh toán một phần tiền gốc. Do đó, hành vi này chưa cấu thành tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này là có căn cứ.

Thuê người đóng giả khách hàng

Ngoài những cá nhân vừa nêu, một số người đồng ý cho Tân vay tiền nhưng đòi hỏi phải có giấy tờ chứng minh. Để “làm tin”, Tân nhờ nhiều người, trong đó có Nguyễn Chí Hiếu, Trần Thị Đan Thanh (vợ Hiếu), Đặng Thị Minh Thu và Lê Ngọc Mai đóng giả khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Theo đó, năm 2019, Tân hỏi vay tiền của bà N.T.T. (ngụ huyện Long Hồ) để đáo hạn ngân hàng nhưng người này yêu cầu đưa giấy tờ chứng minh và gặp mặt khách hàng. Từ đó, Tân làm giả thông báo đồng ý cấp tín dụng của ngân hàng và nhờ bà N.T.M.H. đóng giả làm khách hàng. Bà H. biết Tân là cán bộ ngân hàng và được cam kết 3- 4 ngày sẽ trả nợ nên đồng ý ký vào biên bản. Sau đó, bà H. giới thiệu thêm chồng con mình, Nguyễn Chí Hiếu, Trần Thị Đan Thanh cho Tân thuê ký vay tiền nhưng những lần này đã thanh toán đầy đủ, không chiếm đoạt.

Đến cuối tháng 9/2019, thông qua sự giới thiệu của Hiếu, Tân thuê Đặng Thị Minh Thu đóng giả khách hàng vay tiền của bà N.T.T.. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Tân soạn sẵn biên nhận vay, mượn tiền và yêu cầu Thu ghi đầy đủ thông tin, số tiền vay. Bà T. tin tưởng nên cho vay 2,5 tỷ đồng và bị Tân chiếm đoạt, còn Thu được Tân “bồi dưỡng” 1 triệu đồng. Khoảng 10 ngày sau, Tân tiếp tục thuê Thu gặp bà T. vay 2,2 tỷ đồng. Lần này, Thu được Tân cho 500.000đ.

Cuối tháng 9/2019, Hiếu giới thiệu Lê Ngọc Mai để Tân thuê đóng giả khách hàng vay của bà T. 2,7 tỷ đồng. Ký xong hợp đồng, Tân cho Mai 1 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt hết. Ngoài ra, Hiếu và vợ là Trần Thị Đan Thanh còn đóng giả khách hàng để giúp Tân vay 1,5 tỷ đồng của một người đàn ông ở Phường 2 (TP Vĩnh Long).

Đến tháng 10/2019, Tân xin nghỉ việc tại ngân hàng và khoảng 1 tuần sau thì đến cơ quan công an đầu thú. Sau đó, Tân bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Vĩnh Long) khởi tố bị can, tạm giam để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài Tân, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hiếu, Thanh, Thu và Mai. Cơ quan điều tra xác định, Hiếu giúp sức Tân chiếm đoạt hơn 6,2 tỷ của 3 cá nhân, Thanh giúp Tân chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng, Thu giúp Tân chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng, Mai giúp chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.

Trong 2 ngày 13 và 14/9, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phước Tân 17 năm tù giam, Nguyễn Chí Hiếu 7 năm tù giam, Đặng Thị Minh Thu và Lê Ngọc Mai mỗi bị cáo 2 năm tù giam, Trần Thị Đan Thanh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. HĐXX nhận định, bị cáo Tân giữ vai trò chính, bị cáo Hiếu đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực cho Tân và lôi kéo các bị cáo khác; các bị cáo Thu, Mai, Thanh phạm tội lần đầu, giữ vai trò giúp sức nhưng không đáng kể. Riêng bị cáo Thanh có chồng cũng là bị cáo trong vụ án, đang nuôi con nhỏ, nhân thân tốt… nên xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG