Không có tiền giao hụi, thế chấp "sổ đỏ" cho hụi viên

Cập nhật, 14:16, Thứ Tư, 14/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Một chủ hụi ở TP Vĩnh Long không có tiền giao hụi đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc tài sản hộ gia đình thế chấp cho hụi viên dẫn đến hai bên thưa kiện lẫn nhau.

Bà Đ.T.T.H. là chủ hụi, còn chị H.Y. là hụi viên, tham gia nhiều dây hụi từ năm 2016-2018. Quá trình chơi hụi, chị Y. đóng hụi đầy đủ nhưng khi mãn hụi thì bà H. không giao tiền.

Sau đó, đôi bên thỏa thuận chốt nợ và viết biên nhận với nội dung bà H. thiếu chị Y. nợ gốc 199,5 triệu đồng, nếu chậm trả sẽ tính lãi 1,66 %/tháng. Ngoài ký giấy nhận nợ, bà H. còn đưa QSDĐ là tài sản hộ gia đình cho chị Y. giữ để làm tin.

Tuy nhiên, từ ngày lập giấy nhận nợ đến nay, bà H. chưa thanh toán cho chị Y. khoản tiền nào nên chị Y. khởi kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng bà H. liên đới trả tiền hụi và lãi tổng cộng hơn 331,9 triệu đồng vì khi góp hụi, chồng bà H. cũng là người nhận thay.

Bà H. không đồng ý, cho rằng chỉ còn nợ chị Y. tiền hụi 148 triệu đồng nhưng vì các chứng từ liên quan như sổ hụi, biên nhận giao tiền hốt hụi với chị Y.,… từ năm 2018- 2019 đã mất nên không cung cấp được cho tòa.

Ngoài ra, bà có vay của chị Y. 30 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng là tiền chị Y. hốt hụi nhưng không nhận tiền mà cho bà vay. Việc bà vay tiền không lập biên nhận nhưng chị Y. có ghi trong sổ. Sau đó, bà đóng lãi cho chị Y. đầy đủ và tiền lãi được trừ thẳng vào tiền chị Y. đóng hụi.

Việc này, đôi bên không làm biên nhận cũng không ai chứng kiến, cho đến sau ngày viết biên nhận nợ thì bà ngưng không đóng lãi cho chị Y. nữa.

Ông N.V.T. (chồng bà H.) có đơn phản tố, cho rằng: Ngày 28/7/2022, ông mới biết rõ số tiền hụi bà H. nợ chị Y.. Ông không liên quan đến việc chơi hụi và vay tiền giữa bà H. với chị Y.. Tuy nhiên, ông muốn san sẻ cùng vợ nên đồng ý liên đới trả nợ hụi cho chị Y..

Ngược lại, chị Y. phải trả lại QSDĐ cho gia đình ông vì đó là tài sản chung của gia đình, không phải của riêng bà H..

Xét giấy biên nhận ngày 6/3/2019 do chị Y. và bà H. tự thỏa thuận, việc bà H. ký tên không bị chị Y. ép buộc hay hăm dọa. Trong đó, bà H. thừa nhận tổng số tiền nợ là 199,5 triệu đồng nên có đủ căn cứ xác định bà H. chưa giao tiền hụi cho chị Y. là có thật.

Nay bà H. chỉ nhận trả 200 triệu đồng, không đồng ý trả nợ gốc 199,5 triệu đồng vì cho rằng chỉ nợ chị Y. tiền hụi 148 triệu đồng chứ không phải 199,5 triệu đồng và số tiền ghi trong giấy biên nhận ngày 6/3/2019 là tiền hụi và tiền vay với lãi suất 10 %/tháng nhưng ngoài lời trình bày trên, bà H. không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Chị Y. cũng không thừa nhận nên không đủ căn cứ xác định bà chỉ nợ chị Y. tiền hụi 148 triệu đồng.

Ông T. tuy không ký tên vào biên nhận nợ nhưng tự nguyện liên đới cùng bà H. trả toàn bộ nợ hụi cho chị Y., phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường nên được ghi nhận.

Do đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Y., buộc vợ chồng bà H. liên đới trả cho chị Y. nợ gốc 199,5 triệu đồng, lãi chậm trả nguyên đơn giảm xuống còn 100,5 triệu đồng, tổng cộng 300 triệu đồng.

Chấp nhận yêu cầu phản tố ông T., buộc chị Y. trả lại bản chính giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng bà H.. Sau ngày xét xử, nếu bà H. không thi hành án sẽ phải tiếp tục chịu tiền lãi trên nợ gốc theo mức lãi suất các bên thỏa thuận.

DIỄM PHƯỢNG