Lừa đảo qua mạng có chiều hướng gia tăng

Cập nhật, 13:33, Thứ Tư, 15/12/2021 (GMT+7)

(VLO) Theo Bộ Công an, lừa đảo xảy ra trên nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử. Đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Thủ đoạn tinh vi

Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan, cán bộ cơ quan nhà nước; lợi dụng quan hệ tình cảm, quen biết qua mạng xã hội; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản; giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý,…

Trong đó, theo Bộ Công an, thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, nhất là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, thông báo phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối tượng lừa đảo tung tin sai sự thật, đe dọa, gây sức ép khiến người dân tin rằng mình vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến các vụ án để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Anh N.M.C. (TP Vĩnh Long) vừa “bắt bài” thủ đoạn của kẻ lừa đảo qua điện thoại. Anh kể: “Đó là một người đàn ông giới thiệu là cán bộ Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an, thông báo qua hệ thống giám sát phát hiện tôi điều khiển phương tiện vi phạm giao thông.

Người này yêu cầu tôi cung cấp số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng để thực hiện các thủ tục đóng phạt”.

Theo anh C., nhờ tinh thần cảnh giác và thường xuyên tìm hiểu thông tin trên báo chí, anh biết khi cần làm việc cơ quan công an sẽ gửi thư mời đến trụ sở, không có chuyện làm việc qua điện thoại và cung cấp luôn số tài khoản để chuyển tiền kiểu này. “Tôi nghe nói là biết ngay bọn lừa đảo rồi nên tắt máy liền”- anh C. nói.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước, nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước; giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách các lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo; giả danh ngân hàng thông qua việc mời chào, cung cấp các khoản vay online; giả danh cơ quan, tổ chức thông báo “trúng thưởng may mắn”.

Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân

Theo điều tra của Bộ Công an và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các tin nhắn giả mạo không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động.

Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, do các đối tượng lừa đảo mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác.

Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Bộ Công an khẳng định: Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online.

Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định yêu cầu “hợp tác điều tra”.

Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở,… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của họ, đặc biệt không thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền.

Mặt khác, người dân nên thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.

Song song đó, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung lực lượng, chủ động rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các đối tượng hình sự, các băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh, tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa, xử lý hoạt động của loại tội phạm này.

TRUNG HƯNG