Khởi động thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Cập nhật, 16:08, Thứ Sáu, 05/04/2024 (GMT+7)

(VLO) Sáng 5/4, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Sở Nông nghiệp- PTNT TP Cần Thơ tổ chức lễ khởi động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) tại HTX Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ).

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (Bến Tre không tham gia do diện tích lúa ít). Trước khi thực hiện rộng rãi, Bộ Nông nghiệp-PTNT quyết định thí điểm ở 5 địa phương, gồm: TP Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Cánh đồng thực hiện thí điểm sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân chuyên vùng chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân. Nơi đây sẽ quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, thu gom rơm rạ khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm.

Tại lễ khởi động, nghi thức xuống giống, bón phân (bằng cơ giới hóa) đã được thực hiện.
Tại lễ khởi động, nghi thức xuống giống, bón phân (bằng cơ giới hóa) đã được thực hiện.

Trước đây, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân ĐBSCL rất lớn, từ 100-150kg/ha. Khi thực hiện đề án, lượng giống gieo sạ xuống còn 60kg/ha. Ngoài ra, lượng phân bón và thuốc BVTV thực hiện cũng giảm theo, ít gây đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi từ biện pháp canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: