Miền Nam vất vả chống nóng, đề phòng bệnh mùa nắng gia tăng

Cập nhật, 13:57, Thứ Hai, 01/04/2024 (GMT+7)

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết tính đến nay đợt nắng nóng tại Nam Bộ đã kéo dài khoảng một tháng rưỡi làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.

Một phụ nữ bán vé số trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) dùng quạt điện để hạ nhiệt - Ảnh: A LỘC
Một phụ nữ bán vé số trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) dùng quạt điện để hạ nhiệt - Ảnh: A LỘC

Nắng nóng khiến sinh hoạt người dân cũng thay đổi, các bệnh liên quan cũng có dấu hiệu gia tăng.

Ngoài đường vắng vẻ, cà phê đông nghẹt

Ngày 31/3, TP.HCM cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ nắng nóng xảy ra trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, số điểm nắng nóng cũng xuất hiện nhiều hơn so với những ngày trước. Số liệu ghi nhận nhiệt độ các tỉnh miền Đông cao nhất từ 35,3-38oC. Nơi có mức nhiệt cao nhất là Đồng Phú (Bình Phước) và Tà Lài (Đồng Nai).

Còn tại miền Tây, cao nhất ở Vĩnh Long 36,7oC, Châu Đốc (An Giang) 36,7oC. Tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất ngày cũng ở mức 36oC. Thời gian nắng nóng trong ngày kéo dài từ 12h-16h, tuy nhiên nắng xuất hiện rất sớm.

Từ khoảng 8h sáng đã bắt đầu oi ả kéo dài tới chiều tối. Nắng nóng cũng khiến thói quen sinh hoạt của người dân thay đổi, nhiều người chọn các quán cà phê, trung tâm thương mại... còn một số tuyến đường, nhất là cao điểm nắng nóng, thì vắng hẳn bóng người, trừ các công nhân tại các công trình giao thông.

Ghi nhận tại đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), lượng xe cộ ít, cả đoạn đường không còn diễn ra tình trạng kẹt xe như ngày thường. Anh Trần Minh Tuấn (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho hay:

"Đoạn Lê Văn Việt giao nhau với đường Đình Phong Phú chạy ra ngã tư Thủ Đức thường xuyên diễn ra kẹt xe vào sáng và trưa.

Tuy nhiên, ngày 31/3 xe cộ ít hơn hẳn mọi ngày. Người ta cũng ít ra khỏi nhà nếu không cần thiết vì nắng nóng".

Trong khi đó, tại một số quán cà phê, nhiều nơi hết bàn không nhận khách.

Tại quán cà phê nằm trên đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) với ba tầng lầu, giữa thời tiết nắng nóng, quán này đã hết bàn và không nhận khách.

Chị Võ Thị Trà My (22 tuổi) chia sẻ: "Thời tiết nắng nóng ở nhà tuy có máy lạnh nhưng không được thoáng nên mình chọn ra quán cà phê để làm việc. Đi mấy quán đều báo hết bàn ngay từ lúc mới đặt chân đến nhà gửi xe".

Riêng tại một số công trình, công nhân vẫn thi công xuyên suốt giữa thời tiết nắng nóng. Ghi nhận tại đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), công nhân và máy móc hoạt động xuyên suốt để đảm bảo tiến độ.

Các công nhân mặc đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang kín mít để chống cái nóng như lửa bao trùm. Chốc chốc các công nhân phải tiếp nước để làm dịu cơ thể.

Tại Đồng Nai, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở trạm Tà Lài (huyện Tân Phú) là 37,8oC, còn tại TP Biên Hòa 37,4oC. Nắng nóng gay gắt khiến người dân "trốn" trong nhà, các tuyến đường sầm uất nhất TP cũng thưa thớt người qua lại.

Do nắng nóng, các hàng quán nhỏ, quầy ăn uống, dịch vụ dọc hai bên đường gần như vắng bóng. Đến khoảng 15h30 cùng ngày, khi nhiệt độ giảm, người dân mới bắt đầu dọn hàng ra bày bán.

Trước đó, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở TP Biên Hòa đạt mức 38,5oC vào ngày 27-3. Nắng nóng trong khi độ ẩm không khí thấp sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe của con người và vật nuôi, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có thể trạng yếu.

Nắng nóng gay gắt kéo dài ở TP.HCM tác động xấu đến sức khỏe - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nắng nóng gay gắt kéo dài ở TP.HCM tác động xấu đến sức khỏe - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh mùa nắng gia tăng

Dù mức nhiệt ghi nhận thực tế tại khu vực Đông và Tây Nam Bộ ở mức 35-37oC, nhưng do hiện tượng bê tông hóa, mức nhiệt cảm nhận thực tế sẽ cao hơn một vài độ C, đặc biệt tại các đô thị.

Theo chuyên gia dự báo thời tiết, thêm vào đó, độ ẩm không khí thấp từ 40-55oC gây ra cảm giác khô khốc, bứt rứt khó chịu.

Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga, phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày gần đây đã làm số bệnh nhân bị bệnh hô hấp, tim mạch đến Bệnh viện Nguyễn Trãi khám tăng khoảng 20%.

Lý giải về điều này, TS Thanh Nga cho hay nắng nóng làm cơ thể dễ bị mất nước qua mồ hôi, nhiệt độ cao khiến nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Với những người mắc bệnh tim mạch, điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí suy tim.

Nắng nóng cơ thể đổ mồ hôi nhiều, tắm nhiều khi cơ thể chưa ráo mồ hôi cũng dễ bị cảm, mắc các bệnh đường hô hấp. Chưa kể trong những ngày nắng nóng gay gắt này khi đi từ ngoài trời nắng nóng lại vào ngay trong phòng lạnh làm cơ thể không kịp thích nghi với nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng dễ bị mắc bệnh hô hấp...

Không chỉ liên quan các bệnh tim mạch và hô hấp, ThS Phạm Thị Uyển Nhi - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho hay các bệnh về da tăng cao. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận gần trăm bệnh nhân bị viêm nhiễm vùng da đến khám.

Những bệnh nhân này bị các bệnh như viêm da nhiễm trùng, nấm da, lang ben, viêm mô tế bào, rám má, tàn nhang...

"Có nhiều nguyên nhân khiến mọi người dễ bị mắc các bệnh về da trong mùa nắng nóng, một trong số đó là do tia UV trong ánh nắng mặt trời ở mức cao.

Khi nóng, cơ thể tiết mồ hôi cũng có thể làm da mất đi độ ẩm, khiến da trở nên khô rát, ngứa ngáy", bác sĩ Uyển Nhi cho hay.

ác sĩ Uyển Nhi khuyên người dân hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt là vào giờ cao điểm từ 10h đến 16h. Khi ra ngoài cần che chắn da cẩn thận bằng quần áo, mũ rộng vành, kính râm. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi hai giờ.

Còn để hạn chế các bệnh đường hô hấp, TS.BS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 - khuyến nghị khi từ ngoài trời nắng nóng về cần lau người cho hết mồ hôi, cho thân nhiệt về bình thường xong hãy ngồi trước quạt, để quạt ở chế độ xoay, tần số quay thấp nhất có thể.

Nên thiết kế một không gian đệm để khi từ ngoài trời nóng đi vào không bước liền vào phòng máy lạnh. Máy lạnh nên để ở nhiệt độ 26-27oC và không nên cho trẻ ở trong máy lạnh ba giờ liên tục.

Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng gay gắt này, các bậc cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn đủ các chất dinh dưỡng... để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Nắng nóng do ảnh hưởng của El Nino

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết năm nay nắng nóng trên cả nước đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm là do ảnh hưởng của El Nino.

Với dự báo một năm thiên tai diễn biến phức tạp và khó lường, ông Khiêm khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân cần chủ động theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng 60 - 65% hiện tượng El Nino sẽ kết thúc vào tháng 4 đến tháng 6-2024 và khoảng 55 - 65% La Nina sẽ bắt đầu khoảng tháng 7 đến tháng 8-2024.

"Số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm", cơ quan khí tượng dự báo.

Theo L.PHAN - K.HIẾU - T.DƯƠNG - A LỘC - N.QUÝ - C.TUỆ/Báo điện tử Tuổi trẻ

Các tin khác: