Khai thác tour, tuyến đặc thù của du lịch ĐBSCL

Cập nhật, 07:06, Thứ Bảy, 30/03/2024 (GMT+7)
Du lịch miệt vườn Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HỮU NAM
Du lịch miệt vườn Vĩnh Long. Ảnh: NGUYỄN HỮU NAM
 
ĐBSCL có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch (DL), trong đó phải kể đến việc liên kết về sản phẩm, tour tuyến liên vùng trên cả đường bộ và đường thủy. Mặc dù ĐBSCL có nhiều tiềm năng, thuận lợi trong xây dựng sản phẩm và phát triển DL. Tuy nhiên, vùng còn có những khó khăn và hạn chế chủ yếu cần tháo gỡ để xây dựng và phát triển tour tuyến liên kết.
 
Một trong những giải pháp quan trọng, cần khai thác hết thế mạnh của những tour, tuyến đặc thù của ĐBSCL.
 
Những thuận lợi và khó khăn
 
Thời gian qua, hệ thống giao thông vùng được xây dựng, nâng cấp và cải thiện đáng kể, tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng và nối vùng với các vùng khác hết sức thuận lợi. Các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển DL vùng.
 
Các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hàng năm với chuỗi các sự kiện và chủ đề phát triển DL vùng; tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến DL vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác DL.
 
Chương trình liên kết, hợp tác phát triển DL giữa 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã xây dựng được 3 tour liên kết: Những nẻo đường phù sa (TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Vĩnh Long- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau); Non nước hữu tình (TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Trà Vinh); Sắc màu vùng biên (TP Hồ Chí Minh- Long An- Đồng Tháp- An Giang- Kiên Giang). 
Vĩnh Long khai thác sâu sản phẩm du lịch văn hóa, di sản từ lợi thế riêng trong liên kết chung của cụm.
Vĩnh Long khai thác sâu sản phẩm du lịch văn hóa, di sản từ lợi thế riêng trong liên kết chung của cụm.
 
Bên cạnh những thành công đã đạt được, việc nâng cao liên kết hợp tác và phát triển các tour DL trong vùng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như:
 
nguồn lực phân bổ cho hoạt động xây dựng sản phẩm, xúc tiến, quảng bá DL còn hạn chế; việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành DL được quan tâm triển khai nhưng còn chậm, chưa đẩy nhanh tiến độ nhất là lĩnh vực giao thông, cầu đường phần nào gây ảnh hưởng đến lượng khách tham quan; cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục một số nơi chưa được cải thiện để tăng cường trải nghiệm DL;
 
cơ chế, chính sách của Trung ương và các địa phương còn thiếu và chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư trên lĩnh vực DL; việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành DL khu vực ĐBSCL còn đang ở mức độ chưa đồng đều và chưa hiệu quả; hoạt động DL còn bị tác động rất lớn bởi yếu tố môi trường: sạt lở đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn,...
 
Sản phẩm đặc thù liên kết vùng giữa các cụm
 
Bộ Văn hóa-TT-DL, Tổng cục DL đã quan tâm thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL thông qua công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ngành. Theo đó, bộ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL” cũng là một nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường liên kết phát triển DL vùng. 
 
TS Trần Hữu Hiệp- Phó Chủ tịch Hiệp hội DL ĐBSCL, đề xuất giải pháp liên kết không gian, tích hợp sản phẩm DL đặc thù. Theo đó, để tổ chức tốt không gian DL vùng, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng sản phẩm DL đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa, khai thác tốt nhất các tài nguyên DL sẽ là yếu tố quyết định. 
 
Có nghĩa là “vượt ngưỡng” cách khai thác hiện nay là xây dựng tour, tuyến còn nặng về ranh giới hành chính giữa các địa phương. Làm được điều này chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng “giẫm chân” trùng lắp các sản phẩm DL hiện nay. Như vậy, xét về yếu tố tự nhiên và đặc thù văn hóa, xã hội, trên cơ sở 2 không gian DL vùng phía Tây và phía Đông của ĐBSCL, đã được quy hoạch chia thành 4 cụm DL.
 
Cụm trung tâm gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là DL tham quan sông nước, DL với mục đích thương mại, lễ hội và nghỉ dưỡng cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, với các sản phẩm tham quan điểm cực Nam Tổ quốc, DL sinh thái rừng ngập mặn và DL văn hóa lễ hội gắn với dân tộc Khmer.
Cà Mau trong Cụm bán đảo Cà Mau với sản phẩm nổi bật tham quan mũi cực Nam Tổ quốc và rừng ngập mặn.
Cà Mau trong Cụm bán đảo Cà Mau với sản phẩm nổi bật tham quan mũi cực Nam Tổ quốc và rừng ngập mặn.
Cụm duyên hải phía Đông gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là DL sông nước miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích cách mạng.
 
Cụm Đồng Tháp Mười gồm: Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là DL sinh thái rừng đặc dụng ngập nước nội địa. Trên cơ sở đó, tạo ra các liên kết về không gian, về sản phẩm thành cụm, vùng, tiểu vùng sông Mekong hoặc liên kết giữa các nước ASEAN.
 
Chuỗi giá trị DL không thể “gói” trong không gian đơn vị hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội cao của nó. Việc liên kết vùng phát triển DL cho phép khai thác những lợi thế tương đối, lợi thế so sánh và bổ khuyết cho nhau giữa các địa phương về tài nguyên DL, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển DL.
 
Một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển DL dựa trên nền tảng “lợi thế dùng chung” và tạo ra “sản phẩm xanh đặc thù của vùng” tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị ngành DL bền vững.
 
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Các tin khác: