Sản xuất nông nghiệp chưa "mạnh dạn" cơ giới hóa

Cập nhật, 22:21, Thứ Ba, 30/08/2022 (GMT+7)

 

Cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế dần phương pháp sản xuất thủ công.
Cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế dần phương pháp sản xuất thủ công.

Cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, mức độ CGH sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị và nông dân.

CGH góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp

Theo ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác- PTNT, từ sự tăng trưởng, CGH nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ; thúc đẩy liên kết sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân và hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn như: Dịch vụ làm đất, cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản. Nhiều năm qua, lĩnh vực CGH nông nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011- 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Phát triển CGH nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng nông sản, phát triển bền vững, tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Trong đó, “ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản chiếm khoảng 45% trong tổng giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản của quốc gia. Đẩy mạnh CGH sẽ làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị cho người nông dân”- Thứ trưởng cho biết.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Nông nghiệp- PTNT, phát triển CGH nông nghiệp của tỉnh ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng. Theo đó, tỷ lệ áp dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng, việc thực hiện CGH trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân trong khâu làm đất, đáp ứng được phần nào nhu cầu lao động ngày càng khan hiếm ở địa phương, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây.

Việc thực hiện CGH vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng các tiến bộ khoa học, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất; tăng nhanh nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và giải quyết áp lực về lao động thời vụ trong nông nghiệp.

Tìm giải pháp nâng cao tỷ lệ CGH nông nghiệp

CGH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển vì hiệu quả CGH chưa cao; mức độ CGH sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu làm đất, nước, thức ăn và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực nhưng chưa đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng CGH đồng bộ; chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy;... Theo ông Lê Đức Thịnh, do phát triển tự phát, người bán và mua công nghệ không có thông tin của nhau; thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu quy trình kỹ thuật thâm canh gắn với quy trình CGH; thiếu chính sách khuyến khích tạo động lực đào tạo khoa học công nghệ, hạ tầng;...

Để thực hiện và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, theo PGS.TS. Nguyễn Huy Bích- Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh: Cần giải quyết được vấn đề nhân sự CGH nông nghiệp; hệ thống đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp phải được nâng cao hơn hiện nay cả về số lượng và chất lượng; phải gắn CGH với tổ chức lại sản xuất; thay đổi tiếp cận trong CGH,…

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển CGH trong nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và hàng loạt các chính sách: Tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp,… Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp- PTNT đang trình Chính phủ nghị định về CGH đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển CGH trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Đầu tư CGH phải có sự vào cuộc, liên kết giữa nhiều nông dân để huy động được nguồn lực, xây dựng chuỗi CGH, mở rộng quy mô sản xuất thì CGH mới hiệu quả. Hiện nay, nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều dư địa để CGH và thị trường có nhiều máy móc CGH nhưng sử dụng máy nào mới đem lại hiệu quả, phù hợp với nông nghiệp Việt Nam, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.

Việt Nam đặt mục tiêu CGH đồng bộ đến năm 2030: Trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thủy sản đạt 90%, lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Đến năm 2030 sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 thế giới.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG