Lo thua lỗ, nhiều nông dân bỏ vụ Thu Đông

Cập nhật, 05:41, Thứ Sáu, 26/08/2022 (GMT+7)
Nhiều nông dân bỏ vụ Thu Đông vì lo càng làm sẽ càng thêm lỗ.
Nhiều nông dân bỏ vụ Thu Đông vì lo càng làm sẽ càng thêm lỗ.

(VLO) Trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, lại thêm dịch bệnh, thời tiết bất lợi, nhiều nông dân lo ngại rủi ro thua lỗ. Do đó, vụ lúa Thu Đông này, nhiều nông dân lại bỏ vụ, trong khi đó, số nông dân tiếp tục sản xuất cũng trong âu lo.

Bỏ vụ vì sợ lỗ

Vụ lúa Thu Đông năm nay ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch sản xuất 41.000ha. Thời điểm này, nông dân đã tiếp tục gieo sạ đợt 3. Tuy nhiên, ghi nhận tại đồng ruộng thì việc nông dân bỏ vụ lúa Thu Đông này khá phổ biến.

Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ mới xuống giống hơn 21.500ha (đạt 52,6% so với kế hoạch là 41.000ha), trong đó, trà lúa Thu Đông sớm đã chắc xanh chín 3.390ha.

Có 12 công ruộng, nhưng vụ Thu Đông năm nay anh Võ Minh Thôi (xã Long An- Long Hồ) chỉ xuống giống 4 công. Anh Thôi cho hay: Thấy vụ này rủi ro thua lỗ cao bởi chi phí đầu tư nhiều quá, cộng thêm thời tiết, dịch bệnh cũng xuất hiện nhiều.

Sạ 4 công này cũng “bất đắc dĩ” vì những ruộng xung quanh đã xuống giống, nếu bỏ vụ luôn thì cỏ dại nhiều nên đành sạ luôn.

“Người ta sạ hết nên phải sạ theo dù biết sẽ không có lời. Tôi sạ ít hơn để dành thời gian cho công việc khác có thu nhập ổn định hơn”- anh Thôi chia sẻ.

Không chỉ anh Thôi, nhiều nông dân trồng lúa ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng quyết định bỏ vụ lúa Thu Đông năm nay để tránh rủi ro thua lỗ. Có người bỏ vụ ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu chứ không đợi đến quyết định của những nông dân khác trên cùng cánh đồng.

Nhiều nông dân bày tỏ nguyên nhân là do vụ Hè Thu vừa qua lợi nhuận không cao, thậm chí có người lỗ vốn trong khi điều kiện thời tiết vụ Thu Đông này còn khó khăn hơn mà giá vật tư, dịch vụ nông nghiệp vẫn còn ở mức cao.

Bên cạnh đó, nhiều người chọn bỏ vụ lúa Thu Đông để có thời gian tạo sinh kế khác, đồng thời, cũng cho đất nghỉ ngơi, tăng độ phì nhằm tối đa hóa lợi nhuận vụ Đông Xuân 2022- 2023.

Có 2 công lúa, chú Nguyễn Văn Lợi (xã Hòa Phú- Long Hồ) cũng cho hay: “Vụ Hè Thu rồi không có lời, vụ Thu Đông này vào mùa mưa lũ nên tôi bỏ vụ vì sợ không có lời lại lỗ thêm”.

Tại Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 50% diện tích không xuống giống vụ Thu Đông, trong khi kế hoạch xuống giống trên 9.000ha thì đến thời điểm hiện tại chỉ xuống giống trên 4.500ha.

Nguyên nhân là do vụ Hè Thu xuống giống muộn, hiện còn trên đồng chờ thu hoạch nên không thể kịp thời gian xuống giống vụ Thu Đông.

Bên cạnh đó, vụ Thu Đông tiềm ẩn nhiều rủi ro về mưa bão, triều cường, lại thêm dịch bệnh phát sinh trong khi chi phí đầu tư quá cao, nông dân sản xuất không có lời nên quyết định bỏ vụ.

Theo đó, với một số ít diện tích không xuống giống lúa, nông dân chuyển sang trồng màu ngắn ngày, hoặc một số nông dân không trồng lúa thì tìm công việc khác để có thêm thu nhập.

“Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo đến nông dân nên cân nhắc khi sản xuất vụ Thu Đông, bởi có thể mang lại rủi ro thua lỗ, nông dân nên tập trung chuyển sang sản xuất vụ Đông Xuân tới cho chắc ăn hơn”- ông Đạo cho hay.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho hay: “Giá lúa có nhích lên thì nông dân quay trở lại trồng lúa còn nếu giá vẫn như thế này mà giá vật tư tăng cao thì khuyến cáo bà con nông dân tạm ngưng một vụ lúa để dồn cho vụ Đông Xuân là vụ ăn chắc.

Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực khác để mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, không nên tập trung vào cây lúa nhiều, bởi thực tế cho thấy lợi nhuận từ cây lúa không cao.

Sản xuất trong âu lo

Chi phí đầu tư cao, thêm dịch bệnh, thời tiết bất thường khiến nông dân lo lắng.
Chi phí đầu tư cao, thêm dịch bệnh, thời tiết bất thường khiến nông dân lo lắng.

Với những nông dân còn sản xuất vụ lúa Thu Đông này, để đảm bảo lợi nhuận vụ lúa, vấn đề giảm chi phí sản xuất được nông dân đặt ra trong bối cảnh giá vật tư, dịch vụ nông nghiệp ở mức cao.

Tuy nhiên, ghi nhận tại các địa phương, do thời tiết bất lợi, sâu bệnh tấn công, nên việc giảm chi phí sản xuất lúa được xem khó thực hiện.

Theo đó, dịch bệnh tấn công nhiều hơn, cộng thêm thời tiết bất thường, mưa bão, triều cường,… càng nhiều khiến nhiều nông dân đã xuống giống vụ Thu Đông thêm lo lắng.

Anh Thôi chia sẻ: “Từ khi xuống giống tới nay, mưa nhiều, lại thêm xuất hiện dịch bệnh, lúa bị thiệt hại, chết giống nhiều càng đội thêm chi phí phân thuốc, chứ khó thể giảm phân thuốc bởi “giảm là thất, giảm năng suất, chất lượng, khi đó thiệt hại còn nhiều hơn”- anh Thôi cho hay.

Để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa trong điều kiện khó khăn, ngành nông nghiệp cũng đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với các địa phương tuyên truyền tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Để đảm bảo hiệu quả sản xuất lúa trên các diện tích đã xuống giống, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, theo dõi sát diễn biến của dịch hại, để hướng dẫn cho nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị chuyên ngành tổ chức thường xuyên, đột xuất các đợt thanh, kiểm tra việc kinh doanh giống lúa, giống rau màu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm ngăn ngừa sản phẩm giả, kém chất lượng và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đồng thời, khuyến cáo và nhân rộng các mô hình như: “IPM”, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), điều kiện thời tiết mưa nhiều xen kẽ nắng nóng, cùng với giai đoạn lúa thích hợp như hiện nay cho nên sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhất là trong tuần một số đối tượng gây hại đang có chiều hướng gia tăng (sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá và ốc bưu vàng trên lúa). Do vậy, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG