Nhà nông tìm hiểu

Phòng chống chuột hại lúa

Cập nhật, 10:11, Thứ Ba, 02/08/2022 (GMT+7)

Gần đây ruộng của tôi bị chuột cắn phá rất nhiều, tôi đã sử dụng một số cách nhưng không hiệu quả. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trừ chuột hại lúa.

Lê Văn Lâm

(Tân An Luông- Vũng Liêm)

Anh Lâm mến!

Chuột là đối tượng khó phòng trừ, có khả năng di chuyển xa và rất tinh khôn. Ban ngày chúng thường ẩn núp trong hang hoặc những nơi kín đáo, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Chuột sinh sản nhiều, nên khi gặp điều kiện thuận lợi thì số lượng chuột tăng rất nhanh và gây hại nghiêm trọng.

Trước hiện tượng chuột gây hại ruộng lúa thì cần phải chú ý thực hiện sớm và liên tục các biện pháp phòng trừ trên cả cánh đồng, để làm hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm số lượng chuột gây hại trong sản xuất. Cụ thể, cần tổ chức xuống giống và thu hoạch đồng loạt, để thuận lợi cho việc phòng trừ. Cắt đứt nơi trú ẩn, sinh sống của chuột bằng cách phát quang bụi rậm, không để ruộng hoang, phá ổ chuột tại các bờ ruộng ngay sau khi thu hoạch vụ trước.

Khi phát hiện có hiện tượng chuột cắn phá gây hại thì cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, như: làm mất nơi cư trú của chuột bằng cách kiểm tra và phá hủy những nơi chuột trú ẩn, nếu có nước thì có thể giữ ở mức cao trong giai đoạn lúa làm đòng và trổ để gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức săn bắt.

Bên cạnh sử dụng biện pháp thủ công: bắt diệt chuột bằng cách tìm và đào hang, đổ nước, hun khói, đốt rơm trộn ớt khô… có thể sử dụng các loại bả sinh học, thuốc diệt chuột có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn.

Tùy theo mật độ và mức độ gây hại của chuột mà tăng hoặc giảm lượng mồi bả cho phù hợp, cần chú ý chỉ sử dụng ở nơi xa khu dân cư, thông báo cho người dân biết nơi có đặt bả mồi, thu gom mồi thừa và xác chuột chôn cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người và môi trường.

BẠN NHÀ NÔNG