Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị bệnh đốm lá sầu riêng

Cập nhật, 11:17, Thứ Ba, 19/07/2022 (GMT+7)

Tôi vừa lên liếp trồng 2 công sầu riêng nhưng cây có dấu hiệu bị bệnh đốm lá. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị hiệu quả.

Phan Văn Thức

(Xã Thành Trung- Bình Tân)

Anh Thức mến!

Bệnh đốm lá là một trong những bệnh thường gặp trên cây sầu riêng. Bệnh do nấm Phomopsis durionis gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên thân, cành và lá của sầu riêng. Bệnh phát triển mạnh ở những vườn trồng quá dày, thiếu ánh sáng, thiếu chăm sóc, vườn phun nhiều phân bón lá,... Trong mùa mưa, nhất là trong những tháng mưa dầm liên tục là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm lá phát triển.

Bệnh đốm lá tấn công làm lá xuất hiện các vết bệnh có màu nâu, dần lan rộng khiến lá cây bị rụng. Bệnh nặng khiến lá giảm quang hợp, dẫn đến lá cây rụng nhiều. Nếu bị bệnh đốm lá lúc cây đang trong giai đoạn ra hoa kết trái thì việc cây ra hoa sẽ ít, kết trái kém, nếu có kết trái thì trái cũng phát triển không đều, lép, nhỏ.

Khi phát hiện cây sầu riêng bị bệnh đốm lá, cần tiến hành cắt tỉa những bộ phận của cây sầu riêng bị bệnh và đem đi tiêu hủy để tránh lây lan. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Vắc xin kết hợp với siêu đồng với thành phần là nấm Chaetomium và công thức đồng CuSO4 có thể tiêu diệt các loại nấm hại trên cây có thời gian lưu trú trong vườn đến 20 ngày và không ảnh hưởng đến phát triển của cây và trái non. Đồng thời, nên bổ sung định kỳ phân chuồng ủ hoai mục bằng nấm Trichoderma để bổ sung dinh dưỡng và các vi sinh vật có lợi vào đất.

Bên cạnh, nên trồng cây sầu riêng với mật độ vừa phải, tránh trồng xen rậm rạp. Tỉa cành, tạo tán nhằm tăng độ thông thoáng trong tán cây và trong vườn cây. Thường xuyên thăm vườn để theo dõi tình trạng sức khỏe của cây, phát hiện bệnh sớm để phòng trừ kịp thời.

Quan trọng, tạo cho cây trồng một nền đất khỏe để tạo cho rễ có môi trường thuận lợi để phát triển và hút các chất dinh dưỡng nuôi cây, giúp gia tăng hệ miễn dịch, hạn chế tối đa sự tấn công của nấm bệnh.

BẠN NHÀ NÔNG