Để khoai lang xuất khẩu chính ngạch: Xây dựng mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết

Cập nhật, 11:20, Thứ Ba, 19/07/2022 (GMT+7)

 

Nông dân gặp khó đầu ra, diện tích khoai lang giảm mạnh.
Nông dân gặp khó đầu ra, diện tích khoai lang giảm mạnh.

Trong khoảng 2 năm qua, ảnh hưởng của dịch COVID- 19 kéo dài, cộng với chính sách nhập khẩu nông sản khắt khe làm cho giá khoai lang (KL) tím Nhật xuống thấp, nông dân thua lỗ.

Để khắc phục khó khăn, góp phần giữ vững vùng nguyên liệu KL Bình Tân, giúp người dân an tâm sản xuất, theo ngành nông nghiệp, không còn con đường nào khác là phải xuất khẩu chính ngạch KL. Trong đó, việc xây dựng các mã số vùng trồng (MSVT) cho KL là con đường tiên quyết.

“Thủ phủ” KL Bình Tân giảm trên 6.000ha

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), trước năm 2021, huyện Bình Tân là một trong những nơi có diện tích trồng KL lớn ở vùng ĐBSCL, chiếm gần 2/3 diện tích của cả vùng ĐBSCL. Giống khoai được trồng phổ biến hiện nay là: Tím Nhật, trắng giấy, trắng sữa, bí đường,… với diện tích khoảng 13.000 ha/năm, sản lượng ước đạt trên 390.000 tấn. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nông dân giàu kinh nghiệm, KL được trồng quanh năm.

Bà Đinh Thị Tuyết Hạnh- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, cho hay: Toàn huyện có khoảng 80% diện tích trồng giống KL tím Nhật. Nếu như các giống khoai khác chỉ tiêu thụ nội địa thì KL tím Nhật phần lớn được xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Do đó, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nông dân thua lỗ, diện tích xuống giống KL giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện xuống giống chỉ hơn 700ha, ít hơn so với cùng kỳ năm 2021 hơn 6.000ha và có xu hướng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

“Để khắc phục khó khăn trên cũng như góp phần giữ vững vùng nguyên liệu KL Bình Tân, giúp người dân an tâm sản xuất thì không còn con đường nào khác là việc phải xuất khẩu chính ngạch KL. Trong đó, việc xây dựng các MSVT cho cây KL là con đường tiên quyết”- bà Đinh Thị Tuyết Hạnh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cho biết: Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định KL là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh. KL góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 và sự siết chặt rào cản kỹ thuật của Trung Quốc nên giá KL liên tục giảm sâu, khiến nông dân gặp khó, diện tích sản xuất KL giảm mạnh.

“Bên cạnh đó, KL vẫn chưa có liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững; chưa có hệ thống liên kết sản xuất, tiêu thụ, phân phối xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường. Hệ thống truy xuất nguồn gốc có hình thành nhưng chưa phát triển; công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, sơ chế còn thấp”- ông Nguyễn Văn Liêm cho hay.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính, do đó, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm đáp ứng yêu cầu về MSVT, tuân thủ quy trình canh tác, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất tiêu thụ và quảng bá về vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm KL nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Con đường tiên quyết: xây dựng MSVT

Để gỡ khó cho nông dân trồng KL, thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng tích cực phối hợp thực hiện hỗ trợ địa phương đăng ký các MSVT cho KL.

Theo bà Đinh Thị Tuyết Hạnh, tính đến đầu tháng 7/2022, toàn huyện đã có 4 vùng trồng đủ điều kiện để gắn MSVT. Hiện thông tin về 4 vùng trồng này đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc để chờ phê duyệt MSVT. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp huyện nhà nói chung và nông dân canh tác KL Bình Tân nói riêng.

Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất vùng thâm canh cây KL; duy trì và phát triển thương hiệu KL Bình Tân trên thị trường trong và ngoài nước, trong vài năm gần đây huyện Bình Tân đã chú trọng đến việc sản xuất KL đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm. Tính đến nay huyện đã được đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất KL đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 301ha, 14,8ha theo hướng GlobalGAP và 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

 

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT cũng đã làm “cầu nối” giữa bà con có MSVT và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Toàn Phát (Tiền Giang)- là cơ sở đóng gói hàng nông sản có kinh nghiệm xuất khẩu chính ngạch.

Bà Lê Trần Thiên Hương- Đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Toàn Phát, cho biết: Trong thời gian qua, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân đều rất nỗ lực trong việc đàm phán, tìm kiếm hướng xuất khẩu KL sang các thị trường nước ngoài.

Đây là một quá trình lâu dài, không hề dễ dàng và đòi hỏi đầu tư khá nhiều tiền bạc, thời gian, công sức và con người. Hầu như tất cả các thị trường đều đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc bằng cách tham gia chương trình kiểm soát, hồ sơ ghi chép phải đảm bảo các yêu cầu ghi chép lại các khâu trong toàn chuỗi sản xuất; đảm bảo truy xuất nguồn gốc khi có vi phạm; mỗi vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có 1 mã số riêng. Điều kiện tiên quyết khi xuất khẩu nông sản ra thế giới là phải thiết lập và được cấp mã số, quản lý vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nông sản để đảm bảo chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc.

Bà Lê Trần Thiên Hương- Đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Toàn Phát

Chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực để ký kết các bản ghi nhớ và cũng sơ bộ đạt được thỏa thuận với một số thị trường có nhu cầu nhập khẩu KL. Các thị trường nhập khẩu này yêu cầu mặt hàng KL của Song Toàn Phát phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, đại diện các MSVT KL ở Bình Tân quan tâm, cho phép Song Toàn Phát sử dụng MSVT KL phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu có hiệu quả. Chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển chuỗi liên kết thu mua, quản lý MSVT xuất khẩu KL. Cuối cùng, mục tiêu tiến tới là các đơn hàng xuất khẩu KL thành công với giá trị cao, là chuỗi sản xuất tiêu thụ bền vững, là giảm thiểu rủi ro cho người nông dân. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết mình trong việc hỗ trợ bà con duy trì MSVT, quảng bá, phát triển thương hiệu KL Vĩnh Long.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG