ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI DÂN BỊ ẢNH HƯỞNG CÂY TRỒNG VÀ VIỆC NUÔI LƯƠN BẰNG NƯỚC KHOAN GIẾNG

Mong muốn có biện pháp giải quyết hài hòa, đảm bảo lợi ích đôi bên

Cập nhật, 19:33, Thứ Sáu, 07/06/2024 (GMT+7)

 

Người dân mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại.
Người dân mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại.

Thời gian qua, nhiều diện tích cây trồng tại xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ) liên tục héo khô, rụng lá rồi chết dần, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Người dân cho rằng, nguyên nhân cây chết do nguồn nước tưới bị nhiễm mặn từ các hộ nuôi lươn trong vùng xả thải ra kênh, rạch. Mới đây, để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Long Hồ tổ chức buổi đối thoại giải thích yêu cầu của người dân bị ảnh hưởng cây trồng và nuôi lươn bằng nước khoan giếng.

Tại buổi đối thoại, thông tin cho người dân về các đợt khảo sát, ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ cho biết: Qua các đợt khảo sát đã đưa ra những nguyên nhân sầu riêng, chôm chôm, mai vàng bị cháy lá, khô đọt, chết nhánh, chết cây, lá dúm lại không phải chỉ bị ảnh hưởng từ nước xả thải trực tiếp của hộ nuôi lươn ra sông, rạch gây ra mà còn do nhiều yếu tố khác gây nên như do thời tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài, nhiệt độ môi trường tự nhiên cao, biện pháp canh tác của các hộ dân khác nhau, bỏ vườn lâu ngày không tưới.

Đặc biệt là những tháng đầu năm 2024 thời tiết khắc nghiệt nắng nóng kéo dài dẫn đến nhiệt độ tăng dần, đạt đỉnh điểm 38,50C vào tháng 4 .

Bên cạnh đó, năm 2024 nước mặn xâm nhập đến địa bàn các xã cù lao huyện Long Hồ không cao nhưng kéo dài, độ mặn trung bình từ 0,2-0,3‰. Việc chuyển đổi từ việc sử dụng nước giếng khoan và chuyển sang nước sông cũng đã làm cho lươn bị chết gây thiệt hại cho các hộ dân.

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, qua đơn kiến nghị của tập thể các hộ dân (ngày 22/3) phản ánh các hộ nuôi lươn xả nước thải gây chết cây trồng và qua Công văn số 22/UBND ngày 3/4/2024 của UBND xã Bình Hoà Phước về việc hỗ trợ kiểm tra lấy mẫu nước thải từ những hộ nuôi lươn trên địa bàn xã.

Tổ công tác đã kiểm tra 15 hộ nuôi lươn sử dụng nuồn nước giếng khoan tại ấp Phước Định 1,2 và xả nước thải nuôi lươn ra rạch Đường Trâu và rạch cầu Mương. Qua kiểm tra, tổ công tác đã yêu cầu các hộ dân ngưng ngay việc sử dụng nguồn nước giếng để nuôi lươn và đề nghị nước thải từ việc nuôi lươn trước khi thải ra môi trường bên ngoài phải đạt quy chuẩn theo quy định.

Theo đó, kết quả kiểm tra mẫu nước thải của các hộ nuôi lươn đối với các chỉ tiêu COD, BOD, Amoni, tổng pPhotpho, clorua (muối) tại các hộ nuôi lươn Trần Thị Diệu, Trần Chí Dũng, Trần Văn Mười Hai, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chính Vân, Nguyễn Văn Bé Chính, Võ Xếp. Kết quả kiểm tra chỉ tiêu clorua trong mẫu nước thải của các hộ nêu trên đều vượt so với quy chuẩn quy định.

Qua nhắc nhở thì các hộ dân đều thống nhất không sử dụng nước giếng để nuôi lươn và đã khắc phục bằng cách bán sớm số lượng lươn mà thương lái có thể mua, số lượng lươn thương lái không mua do còn quá nhỏ thì các hộ dân chuyển đổi sang sử dụng nước sông; xây dựng và đào ao trữ nước mặt để thay thế nước giếng.

Ông Hồ Thế Nhu cho hay: “Qua các buổi kiểm tra thì Tổ công tác đề nghị các hộ dân không được tiếp tục khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất để nuôi lươn. Nguồn nước thải từ việc nuôi lươn phải xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Các hộ dân cũng đã thống nhất chấp hành. Các hộ dân đã ngưng không tiếp tục sử dụng nước giếng để nuôi lươn (11 hộ). Các hộ dân xin UBND huyện xem xét cho được tiếp tục sử dụng nguồn nước giếng để nuôi lươn đến hết vụ nuôi vì nếu thay thế qua nước sông thì lươn sẽ chết, gây thiệt hại kinh tế. Sau khi kết thúc vụ nuôi sẽ không sử dụng nguồn nước giếng khoan để chăn nuôi lươn (4 hộ). Hiện nay UBND huyện đã chỉ đạo phòng TN-MT huyện kết hợp các ngành chức năng tiến hành rà soát các hộ dân còn lại đang khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất nuôi lươn để biện pháp xử lý kịp thời”.

Sau khi nghe các bên trình bày, đa số hộ dân mong ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục, hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời, mong muốn có biện pháp giải quyết hài hòa, đảm bảo lợi ích của người nuôi lươn và người trồng cây.

Chú N.V.N (xã Bình Hòa Phước) bày tỏ: “Vườn chôm chôm của tôi bị cháy lá hơn 70%, ảnh hưởng đến năng suất, năm nay coi như mất mùa. Tôi mong chính nguyền địa phương xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ, khắc phục”.

Theo đó, người nuôi lươn cũng nêu lên khó khăn, thiệt hại khi chuyển đổi sản xuất từ nước ngầm sang nước mặt. Cụ thể, có 11 hộ do ngưng việc sử dụng nước giếng và chuyển sang nước sông thì lươn bị chết gây thiệt hại. Các hộ dân còn lại do bán lươn sớm, bị thương lái ép giá nên cũng thua lỗ hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Hùng còn nuôi 6 bể lươn 2 tháng tuổi cũng đã chuyển sang nuôi nước sông hoàn tòan, không sử dụng nước giếng khoan, thiệt hại khi chuyển sang nước sông khoảng 5.000 con lươn, số lươn bán non thiệt hại khoảng 180 triệu đồng.

Vườn cây bị ảnh hưởng của người dân do hạn mặn, nắng nóng.
Vườn cây bị ảnh hưởng của người dân do hạn mặn, nắng nóng.

Tại buổi đối thoại, bà Phan Thị Mỹ Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Long Hồ ghi nhận ý kiến của người dân có cây trồng bị ảnh hưởng. Địa phương cũng đã nhanh chóng khảo sát, nắm tình hình thiệt hại của người dân về cây trồng lẫn nuôi lươn. Ngành chức năng, địa phương luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn với người dân. Đồng thời, mong muốn người dân luôn gắn kết, cùng địa phương phát triển kinh tế.

Để khắc phục thiệt hại, UBND huyện cũng đã giao Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thường xuyên theo dõi độ mặn có dự báo, cảnh báo để người dân tưới cây kết hợp với mùa mưa để rửa mặn.

Cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân phun thuốc, bón phân để cây trồng phục hồi; tập huấn cho các hộ nuôi lươn chuyển sang sử dụng nước mặt để nuôi lươn. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Bình Hòa Phước rà soát các vườn cây ăn trái bị chết do nắng nóng, hạn mặn; tham mưu UBND huyện lập dự án hỗ trợ giống cây trồng để phục hồi sản xuất; giao phòng TN-MT huyện xử lý nghiêm các hộ dân không tuân thủ còn tiếp tục sử dụng giếng khoan không đúng quy định.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Các tin khác: