Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo

Cập nhật, 15:59, Thứ Sáu, 07/06/2024 (GMT+7)

 

Đó là chủ đề hội thảo do Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 7/6.

Theo VIETRISA, kinh tế tuần hoàn đã hình thành trong ngành lúa gạo Việt Nam, còn nhiều tiềm năng để phát triển. Với khối lượng rơm cả nước trên 40 triệu tấn mỗi năm, nếu được tái chế và tái sử dụng một cách hiệu quả sẽ đem lợi ích to lớn cho nông dân, doanh nghiệp và môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thài do Bộ Nông nghiệp-PTNT xây dựng và chỉ đạo thực hiện là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo.

Tại hội thảo các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về kinh tế tuần hoàn và đa dạng sản phẩm lúa gạo và phụ phẩm, công nghệ và chính sách, tăng thu nhập nông dân thông qua kinh tế tuần hoàn, huy động hỗ trợ quốc tế, huy động sự tham gia của doanh nghiệp...

Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam.
Tại hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Với sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo.

Từ khối lượng phụ phẩm lúa gạo khổng lồ hàng năm với hàng chục triệu tấn rơm rạ và hàng triệu tấn trấu, vỏ trấu, chúng ta hoàn toàn có khả năng sản xuất ra hàng triệu tấn năng lượng sinh khối xanh. Việc này không chỉ giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Tin, ảnh: THẢO LY

Các tin khác: