"Làm ngày làm đêm" để giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ

Cập nhật, 15:24, Thứ Tư, 28/09/2022 (GMT+7)
 
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-  xã hội.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đặc biệt ưu tiên cho nhiệm vụ giải ngân “với tinh thần tất cả vì quốc gia, dân tộc, tất cả vì Nhân dân, làm ngày làm đêm, làm hết việc chớ không phải hết giờ, đã cố gắng rồi thì cố gắng thêm vì tình hình quá khó khăn. Tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”.

Kinh nghiệm các địa phương

Ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đến 23/9, thành phố đã giải ngân 10.877 tỷ đồng, đạt 25%. Vừa qua, nhiều dự án giao thông tồn tại cả chục năm đã được khởi động trở lại.

Bên cạnh, thành phố cũng lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng (GPMB) để tập trung các địa bàn có khối lượng lớn. Dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ GPMB trên 90% để triển khai các dự án. Một nguyên nhân nữa là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng.

Lãnh đạo thành phố đã gặp từng nhà thầu để tháo gỡ. Bên cạnh, thủ tục đầu tư các dự án ODA mất nhiều thời gian. “Thành phố đã thành lập các tổ công tác chuyên đề, rà soát từng dự án, tổ chức giao ban định kỳ với từng chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân đến cuối năm”- ông Phan Văn Mãi cho biết.

Ông Hà Minh Hải- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì cho biết, kết quả giải ngân của TP Hà Nội đến ngày 23/9 chỉ đạt 33,6% kế hoạch do gặp 4 điểm nghẽn: khó khăn trong GPMB; biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu; dự án ODA có nhiều vướng mắc; hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm.

Theo đó, HĐND thành phố đã thông qua đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền. Đây là cơ sở quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở.

Ông cho biết thêm, đến nay, toàn bộ các chủ đầu tư đã có văn bản cam kết giải ngân. Đồng thời, đã phân công các đồng chí Thường vụ Thành ủy theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc giải ngân vốn ĐTC; phấn đấu đạt 93,2%.

“Giải ngân đến nay đạt trên 70% kế hoạch”- Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết vậy và chia sẻ thêm: Hàng năm, thành phố tập trung vốn cho 7- 10 dự án trọng điểm. Bên cạnh, ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí GPMB và 80% chi phí xây lắp.

Từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và coi giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn trách nhiệm cho từng thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đưa vào đánh giá xếp loại cuối năm. Bên cạnh đó, tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của thành phố thường xuyên kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ vướng mắc…

Để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 giải pháp. Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm bảo đảm thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật ĐTC. Bên cạnh, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về ĐTC.

“Có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với Nhân dân”

Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ĐTC. Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10.

“Trách nhiệm với quê hương, đất nước, với Nhân dân được thể hiện qua những việc làm cụ thể. Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với Nhân dân”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng. Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị các cấp cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia.

Đặc biệt, Nhân dân hết sức mong đợi việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia dành cho những người nghèo, người yếu thế, vùng dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn, các địa phương cần phải cố gắng hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương động viên các nhà thầu, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động.

Về những khó khăn trong GPMB, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác truyền thông theo hướng phản ánh đúng, chính xác tình hình, chỉ ra các khó khăn, hạn chế, bất cập, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp… “Từ nay đến cuối năm thời gian sắp hết rồi, chúng ta phải hành động và hành động quyết liệt, tích cực và phải có hiệu quả”- Thủ tướng chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 30/9 hơn 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7%, tăng khoảng 16% so cùng kỳ năm ngoái. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù tiến độ giải ngân vốn ĐTC chưa như kỳ vọng nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán. 

Về các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân, Thứ trưởng cho biết, có khoảng 25 loại vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính. Đó là: nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách (chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, xây dựng, đấu thầu…); tính đặc thù của kế hoạch năm 2022. Trong đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện được xem là nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chưa đạt kỳ vọng.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

  • Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN