Blog thị trường

Nỗi buồn... trái cây

Cập nhật, 14:26, Thứ Sáu, 03/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Mỗi năm đến hè cũng là mùa trái cây chín rộ. Năm nào cũng vậy, điệp khúc trái cây “được mùa, rớt giá và đổ đống lề đường” lại khiến người làm vườn lo buồn, đặc biệt là năm nay, nhiều loại trái cây rớt giá thảm hại trong khi chi phí sản xuất, phân bón đã tăng gấp đôi, ba lần.

Mấy ngày qua, giá mít xuống mức “thấp nhất từ trước đến nay”, mít loại 1 từ 6.000- 7.000 đ/kg, loại 2 từ 2.000- 3.000 đ/kg, loại 3 dưới 1.000 đ/kg, thậm chí nhiều nhà vườn cho biết mít bán cho cá ăn chỉ 500 đ/kg.

Ở ĐBSCL, mít Thái được trồng nhiều ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và một số địa phương ở Vĩnh Long diện tích mít Thái cũng tăng dần trong thời gian qua. Nguồn cung dồi dào nhưng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ khiến giá mít “trồi sụt thất thường”.

Không chỉ có mít, các loại trái cây khác như sầu riêng, ổi, bơ, thanh long... hiện được đổ đống lề đường, bán giá rẻ. Trong khi người mua “được mùa trái cây giá rẻ”, thì người trồng lại thấp thỏm lo lỗ với đầu ra khó khăn, hơn nữa cộng với chi phí phân bón, vật tư sản xuất tăng cao càng khiến nhiều nhà vườn... méo mặt.

Giá sầu riêng bán lề đường 35.000- 40.000 đ/kg, được xem là mức giá “khá mềm” với người tiêu dùng, nhưng lại “khó chấp nhận” đối với người trồng vì giá thành sản xuất đã tăng rất nhiều.

Đồng cảm cùng nhà vườn thêm một mùa trái cây giá rẻ, nhiều khả năng “huề vốn đến... lỗ”; nhưng ở góc độ khác có thể thấy nhiều hoạt động thiết thực của ngành chức năng, chính quyền địa phương đã góp phần “giải cứu” trái cây.

Chẳng hạn, Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh liên kết với tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long tổ chức mở ra một cánh cửa rộng giúp trái cây miền Tây tiếp cận thị trường TP Hồ Chí Minh rộng lớn, nhiều nhà vườn phấn khởi vì “bán quá được”.

Ứng dụng các kênh bán hàng thương mại điện tử cũng là một cách làm đầy triển vọng cho các mặt hàng nông sản tiếp cận người mua nhanh chóng và rất hiệu quả. 

LÝ AN