Phát triển kinh tế gắn với chất lượng sản phẩm

Cập nhật, 13:48, Thứ Tư, 27/05/2020 (GMT+7)

 

Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc nhờ áp dụng công nghệ mới, đã tạo nên sản phẩm có chất lượng và sản lượng tăng cao.
Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc nhờ áp dụng công nghệ mới, đã tạo nên sản phẩm có chất lượng và sản lượng tăng cao.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) thì thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm là những tiêu chí thể hiện rõ nét chất lượng cuộc sống người dân cũng như diện mạo nông thôn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Tường Lộc (Tam Bình) đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển làng nghề... gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, địa phương cũng vận động người dân chú trọng đến chất lượng sản phẩm, cũng như bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, nhằm đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM.

Chuyển đổi cây trồng, đảm bảo chất lượng nông sản

Trong căn nhà tường khang trang vừa được cất mới hơn 1 năm nay, chị Phạm Thị Phương (ấp Tường Nhơn) cho biết, “trước đây vợ chồng chị mần ruộng, cuộc sống rất khó khăn”.

Thông qua vận động của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cách nay 4 năm anh chị chuyển sang trồng 3- 4 vụ màu, rồi xoay vòng trồng lại 1 vụ lúa cho đất đổi bộ rễ. Vụ tết vừa rồi, chị Phương trồng 4 công dưa hấu thu được 83 triệu đồng. “Với 1 công màu, nếu trồng trúng có thể lời được 10 triệu đồng, lãi cao gấp nhiều lần so trồng lúa”- chị Phương cho biết.

Gần đây, chị Phương còn mướn thêm 8 công đất để trồng dưa hấu. “Bán vụ đầu tiên, trả tiền xong tui còn lời được 40 triệu đồng”- chị Phương kể. Song, không phải trồng màu lúc nào cũng thuận, như đợt hạn mặn vừa rồi chị cũng phải chịu lỗ 20 triệu đồng, nhưng cũng phải khẳng định rằng nhờ chuyển ruộng lên trồng màu mà đời sống gia đình chị Phương cũng như nhiều hộ dân khác đã vươn lên khấm khá hơn.

Vừa qua, chị Phương được Phòng Kinh tế Hạ tầng đầu tư nhà lưới rộng 200m2 trị giá 40 triệu đồng. Để thuận tiện cho việc tưới tiêu, chị còn kéo thêm đường ống tưới nước và trồng các loại rau màu: bí hồ lô, dưa leo, rau muống, cải… theo hướng sản phẩm sạch.

Cùng ngụ ấp Tường Nhơn, anh Phan Nhựt Thanh đã đầu tư 1.500m2 nhà lưới với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Vụ đầu tiên, anh trồng dưa lưới cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn, giá bán 32.000- 50.000 đ/kg. Vụ thứ 2 anh trồng dưa leo, thu hoạch 13 tấn, giá bán từ 4.000- 17.000 đ/kg. Theo anh Thanh, sở dĩ giá bán có sự chênh lệch do thu hoạch vào thời điểm giãn cách toàn xã hội, một phần cũng vì kỹ thuật chưa rành, nên chất lượng và đầu ra chưa chuẩn.

Trước đây, anh Thanh làm việc ở công ty chuyên cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với thu nhập khá, còn chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh- vợ anh Thanh- thì làm công nhân. Đam mê làm nông nghiệp nên từ tháng 10/2019, anh quyết định cùng vợ khởi nghiệp làm nông.

Chúng tôi đến nhân lúc vợ chồng anh Thanh đang vô phân rơm chuẩn bị trồng tiếp vụ dưa leo. Anh Thanh tâm sự, sản phẩm có mẫu mã rất đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, “tạo ra nông sản sạch không phải bằng lời nói, hay giấy chứng nhận mà là cả quá trình nỗ lực và phải đầu tư nhiều”- anh Thanh nói và trăn trở- “Hiện tại vẫn còn phải bán thông qua thương lái, chỉ một số ít vào siêu thị”. Song, anh Thanh dự kiến sắp tới sẽ tận dụng kênh online để bán hàng nhiều hơn và được giá hơn.

Nâng thu nhập gắn với bảo vệ môi trường

Đến tham quan làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc (ấp Nhà Thờ) nhân lúc các nhân công đang tất bật nướng bánh và đóng gói để kịp giao hàng cho khách.

Bà Lê Thị Chính- Chủ cơ sở Bánh xếp Thanh Thảo- cho biết: Nghề làm bánh tráng giấy được duy trì và phát triển hơn 30 năm nay. Với sản phẩm ban đầu là bánh tráng giấy, hơn chục năm nay, nhiều cơ sở sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác như: bánh gói xôi, bánh xếp quặn... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các loại bánh của làng nghề được đánh giá là thơm ngon, giòn béo hơn những nơi khác. Bánh có thể bảo quản được lâu, nhiều mẫu mã, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành chấp nhận được, nên bánh tráng giấy Tường Lộc luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách. Hiện, sản phẩm được mở rộng khắp các tỉnh ở ĐBSCL.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc Trần Văn Thạch, bánh tráng giấy Tường Lộc là một trong những sản phẩm đặc trưng của xã và đã tạo được thương hiệu, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.

Trước đây, đa phần các cơ sở làm bánh sử dụng phương pháp thủ công (dùng củi để nướng bánh) thì nay đã có khoảng 80% hộ chuyển sang áp dụng công nghệ mới. Đó là, nướng bánh bằng điện để đạt được ưu điểm: chất lượng sản phẩm đồng đều về mùi vị, màu sắc, độ giòn; sản lượng tăng cao; đảm bảo an toàn cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Yến- nhân công nướng bánh- cho biết: “Bữa nào tui làm ít thì cũng nướng được hơn chục thùng bánh, làm nhiều thì được hơn 20 thùng. Nhờ có máy móc hỗ trợ, tính ra làm bánh bây giờ khỏe re. Công việc này cũng giúp gia đình tui đủ ăn, đủ mặc”.

Tay thoăn thoắt nướng bánh, chị Lê Thị Ngọc Trang vừa làm vừa kể: “Hồi xưa nướng bánh bằng củi, 5 năm nay thì nướng điện thấy sạch sẽ hơn và không bị nóng táp mặt và cũng không bị áp lực về nguồn nhiệt như trước đây”. Gắn bó với nghề hơn chục năm nay, mỗi ngày làm từ sáng sớm tới 1 giờ chiều, chị Trang nướng được 25 thùng, tiền công 5.000 đ/thùng, cũng “bỏ túi” 125.000 đ/ngày. “Có thu nhập hàng ngày như vậy cũng xoay xở được”- chị Trang nói.

Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc Trần Văn Thạch cho biết, đến nay, xã đã được công nhận đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong đó có một số chỉ tiêu mới “vừa tới ngưỡng đạt”, vì vậy xã đang tiếp tục nâng chất tiêu chí này. Bên cạnh, xã đang tiếp tục vận động người dân chuyển lúa sang trồng màu và cây ăn trái, đồng thời phát triển các loại hình tiểu thủ công nghiệp, làng nghề,… để giúp người dân nâng cao thu nhập từ 45,6 triệu đồng/người/năm lên 50 triệu đồng/người/năm trở lên vào cuối năm nay.

Đến nay, xã Tường Lộc đã đạt 12/19 tiêu chí NTM. Hiện, xã còn 7 tiêu chí cần phấn đấu là: quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI