Khơi nguồn sáng tạo nghiên cứu khoa học

Cập nhật, 14:50, Thứ Tư, 07/02/2024 (GMT+7)

 

Dự án “Xe lăn điện 4.0” của học sinh Trường THPT Bình Minh đạt giải nhì.
Dự án “Xe lăn điện 4.0” của học sinh Trường THPT Bình Minh đạt giải nhì.

Lần thứ XI, Sở GD-ĐT Vĩnh Long tổ chức hội thi khoa học kỹ thuật cho học sinh đã nhận được những hiệu quả tích cực từ số lượng học sinh, đơn vị và dự án tham gia. Qua đó, có thể thấy việc nghiên cứu khoa học (NCKH) đã được lan tỏa, góp phần đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập.

Lan tỏa nghiên cứu khoa học

Nhằm mục đích khuyến khích học sinh trung học NCKH, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, Sở GD- ĐT Vĩnh Long phát động các hoạt động NCKH trong học sinh, đặc biệt là hội thi NCKH hàng năm.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh, hội thi năm nay có 53 đơn vị tham gia, tăng 7 đơn vị, gồm: 27 trường THCS-THPT, THPT và 26 trường THCS của 8 phòng GD-ĐT. Có 162 học sinh thực hiện 92 dự án ở 13 lĩnh vực tham gia hội thi.

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá: “Nhiều dự án tận dụng được trang thiết bị hiện có của nhà trường và gia đình, có khả năng áp dụng trong cuộc sống. Nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện được niềm đam mê NCKH của học sinh. Các đơn vị đầu tư nhiều cho các dự án”.

Với 20 dự án tăng thêm so với năm trước, có thể thấy được việc NCKH đã được các trường phổ thông quan tâm triển khai, học sinh tích cực tham gia. Qua đó, học sinh làm quen với hình thức NCKH, đam mê NCKH hơn, hưởng ứng hội thi tích cực, các học sinh tự tin hơn trong việc trình bày dự án...

Ông Trịnh Văn Ngoãn cho rằng: “Thông qua hội thi đã tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm và thể hiện sự sáng tạo của mình qua những sản phẩm. Qua đó, các em phát triển hài hòa về đức- trí- thể- mỹ; tạo điều kiện để học sinh nâng cao quá trình học tập của bản thân. Đây là sân chơi bổ ích, trí tuệ khuyến khích tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo cho học sinh”.

Là nhóm học sinh đạt giải nhất của hội thi, tác giả Nguyễn Tấn Phúc và Nguyễn Hòa Thuận (học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ về lý do chọn đề án “Ứng dụng IoT vào quản lý học sinh trong trường học”.

Tấn Phúc giới thiệu: “Hiện nay ở các trường phổ thông, còn quản lý học sinh theo cách thủ công. Cách quản lý này rườm rà và nặng nề. Khi tìm kiếm thông tin, tra cứu của một học sinh trên giấy rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý không còn xa lạ với giáo viên, việc ứng dụng này đã giúp cho công tác quản lý, giảng dạy nhẹ nhàng hơn, đơn giản và chính xác hơn so với phương pháp truyền thống. Từ những lý do đó, nhóm chúng em rất quyết tâm thực hiện đề tài này”.

Kết quả, giải nhất thuộc về nhóm tác giả Nguyễn Tấn Phúc và Nguyễn Hòa Thuận (học sinh lớp 11, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) với dự án “Ứng dụng IoT vào quản lý học sinh trong trường học”. Ban giám khảo cũng chọn 2 dự án xuất sắc là dự án giải nhất và dự án “Xe lăn điện 4.0” của học sinh Trường THPT Bình Minh tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 3/2024.

 

Đi sâu hơn vào chất lượng

Theo ban giám khảo, hội thi năm nay có số lượng dự án tăng hơn so với các năm trước, các dự án đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực và có sự nghiên cứu chuyên sâu. Các tác giả tham gia dự thi đã tận dụng được trang thiết bị hiện có của nhà trường và gia đình, có khả năng áp dụng trong cuộc sống, nhiều ý tưởng sáng tạo và thể hiện được niềm đam mê NCKH của học sinh.

Tuy nhiên, để hội thi thành công hơn, để phong trào NCKH trong học sinh được nâng về số mạnh về chất, còn một số hạn chế cần đề ra. Sở GD-ĐT tỉnh đánh giá một vài dự án thiếu nghiên cứu tổng quan, để đưa ra giải pháp phù hợp, mang tính thực tiễn cao, một số dự án xác định sai lĩnh vực.

Khả năng thuyết trình của học sinh còn yếu, đặc biệt là chưa đánh giá được tính mới, sự khác biệt về phương pháp, kỹ thuật xử lý, hay hướng đi mới so với những dự án, đề tài đã có.

Kết thúc hội thi, BTC đề nghị các đơn vị chủ động triển khai hội thi năm sau sớm nhất, chủ động bồi dưỡng giáo viên, học sinh đơn vị mình, tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa, nội dung của hội thi đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội. Tổ chức tìm hiểu, phổ biến các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT về hội thi.

Song song đó, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để có nguồn tài lực phục vụ hội thi, nhất là cần phải phối hợp tốt hơn với các đơn vị, ban, ngành liên quan, các trường CĐ, ĐH, các nhà khoa học, các chuyên gia,… đồng hành hỗ trợ các thí sinh trong việc NCKH.

Bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, lưu ý: “Toàn ngành tiếp tục nỗ lực hun đúc đam mê NCKH cho học sinh. Dự án nghiên cứu sát thực tiễn cuộc sống. Giáo viên phát hiện và bồi dưỡng học sinh có đam mê và tài năng. Các cơ sở giáo dục tích cực hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, trải nghiệm và thực hiện các giải pháp sáng tạo”.

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, số lượng và chất lượng dự án có đầu tư, có nhiều dự án có tính ứng dụng vào thực tiễn cao, tận dụng những gì sẵn có... Việc đầu tư về ý tưởng, công sức đã thể hiện rõ niềm đam mê của học sinh và sự quan tâm của giáo viên hướng dẫn, định hướng để các em phát huy niềm đam mê và năng lực.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN