Nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không phải đóng bảo hiểm xã hội

Cập nhật, 06:20, Thứ Ba, 13/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Vợ tôi bệnh nằm viện 3 tuần, được hưởng chế độ ốm đau nhưng tháng đó vẫn bị trừ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Việc người lao động nghỉ việc do ốm đau bị trừ lương để đóng các khoản bảo hiểm như trên có đúng quy định?

Võ Minh Huy (Tam Bình)

Trả lời: Theo Điều 26 Luật BHXH, thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.

Cụ thể, người lao động đóng BHXH dưới 15 năm được nghỉ làm việc hưởng chế độ ốm đau 30 ngày, từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm là 40 ngày, từ đủ 30 năm là 60 ngày.

Ngoài ra, cơ quan BHXH có quy định, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Căn cứ quy định trên, nếu thời gian vợ của bạn nghỉ điều trị bệnh, sau khi trừ ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết mà còn dưới 14 ngày thì vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Nếu số ngày nghỉ do nằm viện từ 14 ngày làm việc trở lên và vẫn hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì phải đóng các khoản bảo hiểm nói trên theo quy định.

Trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH của tháng đó nhưng người lao động vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

TT. PHÒNG BẠN ĐỌC