Quan tâm và chia sẻ

Cập nhật, 13:09, Thứ Ba, 12/04/2022 (GMT+7)

(VLO) Những ngày qua, tôi liên tiếp nhận được thông tin người thân, bạn bè trở thành F0. Người bị triệu chứng này, người đối mặt với triệu chứng khác.

Nhưng còn may là sau những ngày được ngành y tế hướng dẫn cách ly, điều trị; sự quan tâm, chia sẻ của người thân, bạn bè, ai cũng đã vượt qua, quay lại được với công việc, cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Từ thực tế trên cho thấy, việc tiêm đủ liều vắc xin là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh “không thể biết trước được điều gì”, chính sự quan tâm, “đồng hành” và chia sẻ của ngành y tế, của người thân, bạn bè đã giúp những người đang “cách ly” với mọi người không cảm thấy cô đơn, sợ hãi trước SARS-CoV-2.

Đứa em dưới quê gọi điện lên bảo: “Tuần trước, chồng và con em dương tính với dịch bệnh. Em lo lắng cho bé hơn vì bé còn nhỏ chưa được tiêm vắc xin.

Cũng nhờ y tế địa phương tận tình hướng dẫn, nhờ chị em làm chung trấn an tinh thần nên em cũng yên tâm phần nào tập trung theo dõi, chăm sóc chồng, con.

Chính nhờ sự quan tâm, chia sẻ này mà em không quá hoảng sợ, bình tĩnh xử trí. Nay, chồng, con em đã ổn. Đúng là, dịch bệnh rất đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn nếu chúng ta mất bình tĩnh”.

Còn nhớ, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, rất nhiều hình ảnh đẹp về sự chung tay, góp sức, giúp đỡ lẫn nhau trong đại dịch đã được tuyên truyền, lan tỏa. Dù vẫn có những mất mát, đau thương nhưng chính các hoạt động này đã góp phần giảm bớt thiệt hại, xoa dịu nỗi đau trong đại dịch.

Nay, dịch bệnh vẫn còn, chúng ta vẫn phải đối mặt. Dù đã được tiêm đủ liều vắc xin. Dù đã có thuốc đặc trị (chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ). Nhưng, cơ địa mỗi người là khác nhau, tiến triển bệnh sẽ khác nhau.

Thêm vào đó, vẫn còn trường hợp tử vong. Dẫu biết rằng đa phần những trường hợp tử vong là những người có bệnh lý nền hoặc không tuân thủ theo hướng dẫn, cách ly, điều trị của ngành y tế, tự mua thuốc điều trị.

Nhưng với tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này, thì ít hay nhiều khi “vướng” phải ai cũng sẽ “sợ”. Vì vậy, sự quan tâm, chia sẻ, “đồng hành” của những người xung quanh sẽ phần nào hỗ trợ người bệnh lấy lại tinh thần để vượt qua dịch bệnh.

Với dịch bệnh, trước hết là tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế. Sau đó là vững tinh thần, bình tĩnh để xử trí. Và, trong cuộc sống nói chung, với dịch bệnh nói riêng, mọi việc sẽ phần nào “bớt rối” hơn khi có sự quan tâm, chia sẻ.

NHƯ Ý