Giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện và tử vong

Cập nhật, 10:06, Chủ Nhật, 28/11/2021 (GMT+7)
Đến ngày 26/11, Vĩnh Long có trên 5.140 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh.
Đến ngày 26/11, Vĩnh Long có trên 5.140 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tới đây tỷ lệ ca nhiễm mới/100.000 dân không còn là chỉ số quan trọng về đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương; thay vào đó sẽ chú trọng đánh giá tình trạng các ca nặng phải nhập viện và tử vong.

Thay đổi chiến lược, không để F0 “đứt thuốc”

Bộ Y tế vừa hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành sơ kết công tác điều trị COVID-19, định hướng chiến lược điều trị trong thời gian tới, khi ít nhất 70% dân số được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 và F0 thêm cơ hội tiếp cận nguồn thuốc điều trị. Theo Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là một trong 3 yếu tố đánh giá cấp độ dịch, cùng tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi và từ 65 tuổi (từ tháng 12 tính tỷ lệ tiêm vắc xin ở người từ 50 tuổi trở lên) so với khả năng đáp ứng của ngành y tế.

Chiến lược điều trị tại nhà được tập trung triển khai trong thời gian tới trên cơ sở chúng ta đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin cần thiết. Đến 30/11, về cơ bản tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt 100% người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, tiêm đủ 2 mũi đạt khoảng 70%. Về xét nghiệm tìm ca mắc mới, hiện hướng dẫn chung là không xét nghiệm trên phạm vi rộng, xét nghiệm cộng đồng như trước đây. Chỉ xét nghiệm ca nghi ngờ và khi truy vết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Hiện nay xu hướng là chúng ta không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, khuyến khích người dân tự phát hiện, nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện và điều trị tại địa phương. Một trong những thay đổi quan trọng trong thời gian tới là tăng cường sử dụng thuốc kháng vi rút tại y tế cơ sở, cấp thuốc tại nhà, hạn chế trở nặng. Đồng thời, có chiến lược mới về cách ly, xét nghiệm phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch càng chia nhỏ càng tốt, tới từng cụm dân cư, từng khu phố... để có biện pháp nhỏ gọn, hiệu quả, đặc biệt làm sao chăm sóc y tế tiếp cận được người dân. Để đáp ứng được điều đó, địa phương cần nâng cao năng lực đáp ứng điều trị, đặc biệt cần nỗ lực cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc gói C, trong đó có Mulnopiravir.

Vĩnh Long đảm bảo công tác điều trị F0

Song song với công tác khoanh vùng, dập dịch, xét nghiệm sàng lọc tách F0 ra khỏi cộng đồng và đẩy nhanh tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng, công tác điều trị cũng được tỉnh Vĩnh Long chú trọng, nhằm giảm tối đa các ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Số lượng bệnh tăng, ngành huy động tất cả y tế trong toàn tỉnh. Mỗi cơ sở y tế cũng dành ra 40% để điều trị F0 và đã kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 7. Mục tiêu chính của điều trị là giúp F0 giảm chuyển nặng giảm tử vong và giảm tải lượng vi rút. Thời điểm này, chúng tôi cũng có 2 loại thuốc kháng vi rút là thuốc tiêm và thuốc uống”.

Hiện 7 bệnh viện dã chiến đặt tại các địa phương trong tỉnh có quy mô khoảng 4.000 giường và số giường bệnh điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế, Vĩnh Long cơ bản đảm bảo công tác thu dung, điều trị số ca mắc COVID-19 hiện nay. Các trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện hồi sức, oxy y tế cũng được tỉnh chuẩn bị khá đầy đủ. Bên cạnh đó, đã xây dựng nhiều phương án đảm bảo công tác thu dung, điều trị và sớm kiểm soát dịch trên địa bàn.

“Ngành y tế cũng tập trung làm sao để giảm số lượng F0 trong cộng đồng bằng cách truy vết khoanh vùng dập dịch, cũng như nhanh chóng phủ vắc xin. Bên cạnh việc tiếp nhận F0 vào bệnh viện dã chiến, ngành có phương án mới là thực hiện F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị ở nhà để dành cơ sở y tế để điều trị F0 có nguy cơ chuyển nặng, chuyển nặng hoặc nguy kịch để cấp cứu điều trị kịp thời”- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho biết.

Các giải pháp kiểm soát dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân vẫn đang được các cấp các ngành khẩn trương thực hiện. Song, số ca mắc mới tăng như hiện nay đang gây áp lực không nhỏ trong công tác điều trị, mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng bệnh kể cả đã được tiêm đủ liều vắc xin. Vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng, vừa góp phần cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh, thích ứng an toàn.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh: Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Nhận định của các nhà chuyên môn, nhà khoa học là chúng ta phải hết sức cảnh giác, sẵn sàng ứng phó đợt dịch thứ 5 luôn rình rập, không được lơ là.