Lọc máu liên tục cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch

Cập nhật, 13:58, Thứ Sáu, 28/02/2020 (GMT+7)

Theo bác sĩ chuyên khoa I Võ Văn Hạnh Phúc- Phó Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, với kỹ thuật lọc máu liên tục, các bác sĩ của khoa điều trị thành công nhiều bệnh nhân (BN) nhập viện ở giai đoạn nguy hiểm, nguy kịch.

Bệnh nhân buồn chuyện gia đình, uống 40 viên thuốc hạ áp và được các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục cứu sống.
Bệnh nhân buồn chuyện gia đình, uống 40 viên thuốc hạ áp và được các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục cứu sống.

Từ khi triển khai kỹ thuật lọc máu liên tục (năm 2014), BVĐK tỉnh Vĩnh Long cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao. Điều này cho thấy ưu việt của kỹ thuật lọc máu liên tục trong công tác cấp cứu, điều trị tích cực.

Một BN nam (33 tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu phân lỏng, huyết áp tụt, ý thức lơ mơ. Người nhà cho biết BN nghiện rượu đã lâu, xơ gan 3 năm nay.

Tại Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, các bác sĩ chẩn đoán BN bị sốc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa biến chứng suy đa tạng, suy gan, thận, trụy tim mạch vô niệu, nguy cơ tử vong.

Các bác sĩ nhanh chóng bù dịch, cấy máu, sử dụng kháng sinh liều cao và thuốc vận mạch cho bệnh nhân.

Người bệnh cũng được lọc máu liên tục nhằm thải các chất độc nội sinh và ngoại sinh, cân bằng dịch và điện giải, đồng thời ít ảnh hưởng đến huyết động. Nhờ cấp cứu kịp thời, sức khỏe BN chuyển biến tốt, thoát sốc, có nước tiểu và qua cơn nguy kịch.

BN 60 tuổi được đưa vào bệnh viện với tình trạng chóng mặt, tay chân lạnh, nói nhảm, ngất xỉu... và người nhà khai là “uống thuốc hạ huyết áp 40 viên để tự tử”.

Các bác sĩ thăm khám, tiến hành xét nghiệm chẩn đoán BN bị ngộ độc thuốc hạ huyết áp, biến chứng gây rối loạn nhịp tim, gây sốc và suy gan/thận, toan chuyển hóa nặng...

Ê kíp khoa tiến hành điều trị theo phác đồ chống ngộ độc. Trong 24 giờ sau khi vào viện với khoảng 6 giờ lọc máu liên tục (thay huyết tương), BN hồi tỉnh. Tình trạng BN sau can thiệp: huyết áp trở về bình thường, từ vô niệu, suy thận- BN đã tiểu lại và thận dần hồi phục...

Theo bác sĩ Hạnh Phúc, bình thường người bị cao huyết áp chỉ cần uống một viên thuốc hạ áp là có thể khống chế huyết áp trong vòng 24 giờ.

Đằng này, BN uống tới 20 viên N. 20mg và 20 viên B. 5mg, nên ngộ độc nặng. Trường hợp này ngoài dùng thuốc, buộc phải tiến hành lọc máu liên tục mới có cơ may cứu BN.

Huyết thanh 1 bệnh nhân đục như sữa sau khi lọc lấy ra đã kịp thời cứu sống bệnh nhân viêm tụy cấp.
Huyết thanh 1 bệnh nhân đục như sữa sau khi lọc lấy ra đã kịp thời cứu sống bệnh nhân viêm tụy cấp.

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do suy đa tạng là từ 40- 100%. Lọc máu liên tục là biện pháp được chứng minh có khả năng loại bớt các chất và yếu tố gây viêm, từ đó giảm quá trình viêm, giúp giảm biến chứng suy đa tạng và giảm tỷ lệ tử vong.

Một BN nam (39 tuổi) uống rượu bia, ăn uống không kiêng cữ dẫn đến rối loạn lipit. Các bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm tụy cấp có biến chứng tổn thương các cơ quan như suy hô hấp, trụy tim mạch, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy đa tạng.

Sau đó, ê kíp tiến hành điều trị bù dịch, chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Bác sĩ Hạnh Phúc cho biết, sau 12 giờ lọc máu liên tục, BN qua cơn nguy kịch, máu của BN biến thành màu trắng đục như sữa vì trong động mạch và tĩnh mạch của anh tích tụ lượng mỡ “khủng”.

Kết quả xét nghiệm máu đường huyết tăng cao, bạch cầu máu cao, men tụy tăng cao, rối loạn điện giải, suy thận cấp và rối loạn đông máu trầm trọng, đặc biệt triglyceride (chỉ số về mỡ máu) tăng gấp 50 lần so với bình thường khiến huyết thanh đục như sữa.

Theo bác sĩ Võ Văn Hạnh Phúc, kỹ thuật lọc máu được hiểu là phương thức lọc máu ngoài cơ thể khi thận bị tổn thương.

Đối với hệ nội, lọc máu liên tục sẽ áp dụng cho BN bệnh nặng ở giai đoạn cuối, BN có các biến chứng suy đa cơ quan, tự tử bởi chất độc, bệnh gan hay thận mãn tính... Kỹ thuật trên cũng cấp cứu thành công BN bị rắn lục cắn dẫn đến rối loạn đông máu.

Hiện kỹ thuật lọc máu liên tục được BVĐK tỉnh Vĩnh Long áp dụng trong các trường hợp như: suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim kháng trị, viêm tụy cấp, ngộ độc nặng…

“Rất nhiều người bị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng… nhập viện trong lằn ranh giữa sinh và tử đã được cứu sống nhờ lọc máu liên tục”- bác sĩ Hạnh Phúc nói.

Theo bác sĩ Hạnh Phúc, một cuộc lọc máu liên tục phải cần 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Ê kíp này sẽ “canh” theo dõi suốt quá trình lọc, các xét nghiệm liên quan để cuộc lọc hiệu quả, tránh biến chứng có thể xảy ra. Thời gian cuộc lọc máu ít nhất 24 giờ, những trường hợp nặng sẽ kéo dài liên tục 48 giờ, thậm chí 72 giờ. Dù chi phí thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục khá cao, song được BHYT thanh toán, do vậy, BN được giảm phần lớn chi phí khi khám, chữa bệnh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN