Những "blouse trắng" ở Bệnh viện Tâm thần

Cập nhật, 05:27, Thứ Năm, 27/02/2020 (GMT+7)

Chăm sóc người bệnh bình thường đã là một việc vất vả, chăm sóc cho những người bệnh tâm thần lại càng vất vả hơn nhiều bởi họ là những người đã bị hạn chế về năng lực hành vi, khả năng nhận thức. Các “blouse trắng”- bác sĩ, điều dưỡng- và kể cả những người bảo vệ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long đang ngày đêm làm việc thầm lặng để điều trị, chăm sóc, giúp họ sớm phục hồi trở về với gia đình.

Làm bác sĩ, điều dưỡng ở đây phải kiêm luôn làm bạn, người thân của bệnh nhân tâm thần. Trong ảnh: Bác sĩ Ngọc Trung cùng 2 bệnh nhân.
Làm bác sĩ, điều dưỡng ở đây phải kiêm luôn làm bạn, người thân của bệnh nhân tâm thần. Trong ảnh: Bác sĩ Ngọc Trung cùng 2 bệnh nhân.

Không đếm xuể khó khăn

Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện Tâm thần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bệnh nhân được cố định tay chân trên giường.

Có người thì miệng không ngừng la hét, có người thì vẫy đạp trông rất hung hăng. Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Phạm Hoàng Ngọc Quý cho biết: “Các bệnh nhân này nhập viện vì sử dụng ma túy đá nên bị cảm giác hoang tưởng, ảo giác và mất kiểm soát hành vi.

Họ thường bị kích động dữ dội, có thể hành hung thậm chí gây nguy hiểm đến những người xung quanh nên chúng tôi phải cố định tay, chân lại, cũng là để thuận tiện trong quá trình thăm khám và tiêm thuốc cắt cơn cho họ. Những trường hợp này thường được điều trị ổn định rồi mới chuyển xuống khoa”.

Nhìn con mình tên H. cọ quậy, miệng la hét, cô N.T.V. thở dài: “Con trai út tui đó, dính vô ma túy đá làm chi để ra nông nỗi như vậy.

Cháu nhập viện lần 2 rồi, lần trước vô điều trị đỡ lắm, ai dè về lại “chơi” tiếp. Hồi nãy cháu nó rất hung hăng, chửi, phun nước miếng vô mặt và định quýnh y- bác sĩ đến khám, phải có bảo vệ kìm phụ. Tui năn nỉ, ai dè các cô chú còn động viên tui lại, nói sẽ cố gắng động viên, điều trị cho con tui sớm hồi phục”.

Chúng tôi theo chân bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Ngọc Trung đến Khoa Nam. Thấy có bệnh nhân cười vui mừng đón bác sĩ Ngọc Trung, có người mặt hầm hầm, miệng lầm bầm, điều dưỡng Đỗ Tuấn Dũng trấn an: “Chị đừng sợ, đa số các chú, anh ở đây hiền, dễ thương lắm”.

Bệnh nhân Đ.P.Nam (23 tuổi) kéo tay bác sĩ Ngọc Trung về phòng mình xưng tên rồi khoe: “Ngủ 1 giấc cái ót tới sáng, đêm hết thức rồi.

Nam ăn sáng hết hộp bún, hộp bánh ướt ngon quá chừng. Mì tôm ăn lần 6 gói đó. Nam khỏe, hết bịnh rồi. Chừng nào bác Trung cho Nam về?”

Bác sĩ Ngọc Trung nói: “Nhà Nam ở đâu, biết đường không mà đòi về”. Nam cười bẻn lẻn: “Dạ biết, đón xe buýt về chợ Hựu Thành rồi đi xe ôm mấy vòng tới xã Hiếu Nghĩa là tới, mà chui vô vườn sao thì xe ôm mới biết”.

“Nam là một trong những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt được điều trị tại khoa từ trước tết. Bình thường thì Nam vui vẻ, ngoan lắm. Khi kích động thì khá nguy hiểm. Nam được chính bác sĩ tới nhà cấp cứu đưa vô viện vì chém cậu mình”- bác sĩ Ngọc Trung cho biết.

Điều dưỡng Tuấn Dũng động viên khi bệnh nhân L. tủi thân do không có người thân chăm sóc.
Điều dưỡng Tuấn Dũng động viên khi bệnh nhân L. tủi thân do không có người thân chăm sóc.

Hơn 10 năm làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần, điều dưỡng Đỗ Tuấn Dũng tâm sự: “Khi bệnh nhân kích động, mình trấn an để họ dịu lại và chịu hợp tác như uống thuốc, chích thuốc.

Tới giờ uống thuốc, mình phải phát tận miệng, đứng coi và kiểm tra xem bệnh nhân có uống thuốc chưa. Có bệnh nhân bị bệnh mãn tính, 1 năm vô viện mấy lần thấy y- bác sĩ như người thân”. Rồi điều dưỡng Dũng kể: “Có rất nhiều kỷ niệm trong nghề.

Có lần bệnh nhân kích động, lấy mền trùm lại và đốt. Lúc đó, tôi chạy vô cứu. May cả 2 người không sao. Còn chuyện y- bác sĩ ở đây bị hành hung… cũng thường. Có khi đang chích thuốc, bệnh nhân nắm áo, xé áo. Tâm lý y- bác sĩ ở đây thường phải thủ, phải quan sát bệnh nhân để phòng vệ”.

Song, dù họ dữ đến mấy cũng đến lúc dịu êm, bệnh nhân tâm thần cũng thế, họ cũng có những khoảng thời gian như người bình thường.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh: “Ngoài các trường hợp tâm thần do bẩm sinh thì đa số các bệnh nhân đều trải qua một cú sốc hay một kích động nặng nào đó, họ mới bị bệnh tâm thần.

Mỗi người có biểu hiện bệnh khác nhau nhưng tất cả họ đều thích gần gũi, thích nói ngọt, thích được yêu thương. Làm bác sĩ, điều dưỡng ở đây phải kiêm luôn làm bạn, người thân của bệnh nhân tâm thần. Vì cái tâm của nghề y, các y- bác sĩ chúng tôi luôn cố gắng vượt qua”.

Hết lòng với nghề

Cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc, cạo râu thậm chí tắm cho bệnh nhân… những việc làm tưởng như trẻ con như thế lại diễn ra hàng ngày, là công việc không tên của các “blouse trắng” tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.

Với các điều dưỡng nơi đây, thì việc chăm sóc, nắm bắt tâm lý của bệnh nhân, thân nhân là thử thách không nhỏ, và có như vậy mới đem lại kết quả điều trị tốt.

Bệnh nhân P.T.L. (SN 1962, xã Hòa Ninh- Long Hồ) bị tâm thần phân liệt đứng trước cửa Khoa Nam khóc như đứa trẻ. Chú L. quẹt nước mắt: “Hôm nay chú xuất viện mà vợ con chú không ai đón hết, chú tủi thân chú khóc”.

Điều dưỡng Tuấn Dũng mở khóa cửa, động viên, nói ngọt là chú L. dịu xuống, chịu về phòng: “Tội nghiệp chú lắm, vợ bị suy thận mãn, con làm xa, chú ở đây không ai chăm sóc.

Chú thấy mình trong tình cảnh bị bỏ rơi, tủi thân khóc hoài. Vì thế ngoài việc chăm sóc, thời gian còn lại chúng tôi luôn bên cạnh những bệnh nhân như chú để trò chuyện, tâm sự. Không phải bệnh nhân nào cũng đều cần đến thuốc”.

Còn điều dưỡng Huỳnh Hoài Minh tâm sự: “Một số bệnh nhân không có người nhà, khi ăn, uống thuốc các điều dưỡng trực phải coi chăm. Có chị H.N.A. bị trầm cảm nặng, khép kín nhịn ăn mấy ngày thì mình phải năn nỉ, dỗ ngọt, đút mới chịu ăn”.

Vừa đặt chân đến Khoa Nữ, chúng tôi bàng hoàng trước những tiếng cười to, rồi tiếng la điếc tai của bệnh nhân tâm thần D.T.L. bị cách ly trong phòng tại khu nhà điều trị.

Điều dưỡng Hoài Minh thở dài: “Hôm nay chị chịu thuốc nên “dịu” hơn rồi đó chị. Mấy bữa trước chị L. quậy, đập giường, la hét. Song cửa sắt khóa vậy mà chị giật văng bản lề luôn”.

Bác sĩ Phạm Văn Diên cho biết, tần suất bác sĩ, điều dưỡng bị tấn công, hành hung như cơm bữa, bởi bệnh nhân không kiểm soát hành vi và suy nghĩ của mình, đặc biệt đối với bệnh nhân mới nhập viện.

Riêng với Khoa Hồi sức cấp cứu, khó khăn dường như gấp bội khi các bác sĩ phải giải quyết tình trạng sức khỏe bệnh nhân như một bác sĩ đa khoa, chuyên tâm thần.

Ở khoa này, ngoài điều trị tâm thần, các bác sĩ còn điều trị thêm các bệnh lý ngoại khoa, nội khoa khác. “Quan trọng là phải tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn gây nên bệnh hay bệnh lý kết hợp với tâm thần.

Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải luôn theo dõi sát sao người bệnh để phát hiện triệu chứng. Khó nhất là điều trị cho bệnh nhân kích động, chống cự, đập phá, thậm chí hành hung y- bác sĩ ngay trong lúc cấp cứu”- bác sĩ Phạm Văn Diên cho biết.

Dù hiện Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long đang thiếu trầm trọng bác sĩ, điều dưỡng, song các y- bác sĩ luôn luôn đồng hành cùng bệnh nhân.

Bằng lương tâm nghề y cao quý, họ luôn vững vàng với công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Điều “giữ chân” họ lại, chính là sự yêu nghề và chỉ mong bệnh nhân mau tỉnh táo trở lại, để sớm quay về với cuộc sống bình thường.

Hiện, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long đang thiếu bác sĩ phục vụ trầm trọng, chỉ có 7 bác sĩ phục vụ, thiếu khoảng 13 bác sĩ so với quy định bệnh viện 100 giường. Lượng bệnh nhân đến khám điều trị nội- ngoại trú không ngừng gia tăng, trung bình khoảng 200 bệnh mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh viện lại kiêm luôn việc chỉ đạo chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng, quản lý gần 4.000 bệnh nhân động kinh và tâm thần phân liệt nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN