Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19

Cập nhật, 05:45, Thứ Tư, 26/02/2020 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức với 63 tỉnh- thành tại hơn 700 điểm cầu vào sáng 25/2/2020.

Song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh.
Song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đảm bảo tình hình sản xuất kinh doanh.

Tất cả các bệnh nhân COVID-19 Việt Nam đã khỏi bệnh

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Y tế thì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường. Song, bên cạnh những thông tin đáng lo ngại vì quy mô dịch bệnh trên thế giới thì vẫn có những thông tin lạc quan về khả năng phòng, chống và chữa bệnh SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

Đến sáng 25/2/2020, người cuối cùng trong số 16 ca nhiễm có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân nam 50 tuổi này đang được điều trị tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) khỏi bệnh hoàn toàn, chờ xuất viện.

Việt Nam 13 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới, tổ chức giám sát và cách ly kịp thời những người trong diện nghi nhiễm, tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Liên quan đến kết quả phòng chống dịch COVID-19, các lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã xây dựng và thống nhất các phác đồ trị bệnh trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Hoạt động phòng chống dịch đang thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, như nhân lực tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, cơ sở y tế tại chỗ, hiện các điều kiện này đều đáp ứng được”.

Tại cuộc họp, đại biểu các điểm cầu rất quan tâm kinh nghiệm tổ chức cách ly ổ dịch tại Vĩnh Phúc. Theo PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại tâm dịch Sơn Lôi, việc cách ly xã Sơn Lôi cách đây 2 tuần do khi đó đây là tâm dịch, có lây lan ra cộng đồng, uy hiếp khu vực bên ngoài.

“Quyết định thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi của Bộ Y tế là một quyết định rất đúng đắn, rất kịp thời, rất trách nhiệm và rất dũng cảm, thể hiện sự trách nhiệm cao của xã Sơn Lôi, của tỉnh Vĩnh Phúc với các địa phương khác cũng như của người dân trong cả nước.

Chính vì vậy, chúng ta nên cảm ơn người dân Vĩnh Phúc, cảm ơn người dân Sơn Lôi”- ông nhấn mạnh.

Việc giám sát ca nghi ngờ sớm nhất là rất quan trọng, tổ công tác triển khai nhiều biện pháp như lập danh sách toàn bộ nhân khẩu gia đình ở Sơn Lôi, tập huấn cho 30 nhóm, trang bị cho họ biểu mẫu, thiết bị.

Ngay trong đêm có bản tin ngắn gọn về việc theo dõi sức khỏe toàn dân, thông báo dịch cho tất cả người dân biết.

Nhóm này hàng ngày đến từng gia đình đo thân nhiệt, hỏi thăm sức khỏe, có vấn đề là báo tin ngay cho y tế. Ngoài ra, bố trí 2 xe cứu thương, 1 xe chuyển bệnh nhân thông thường, 1 xe chuyển bệnh nhân nghi ngờ SARS-CoV-2.

Đây là những kinh nghiệm quan trọng cho những khu vực khác nếu có yêu cầu cách ly. Hiện toàn bộ người mắc bệnh của tỉnh Vĩnh Phúc đã khỏi bệnh và 10 ngày nay không ghi nhận ca nhiễm mới.

PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ: “Người tiếp xúc gần với bệnh nhân là cho đi cách ly, theo dõi nghiêm ngặt tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày kể từ ngày cuối tiếp xúc gần với ca bệnh được xác định.

Nếu trong quá trình theo dõi, người đó phát bệnh thì lập tức đó là ca bệnh xác định và chuyển cách ly, điều trị ngay. Nếu trong 14 ngày không phát hiện thì cũng không chủ quan.

Sau 14 ngày, tiếp tục cho bệnh nhân về nhà và cách ly nghiêm ngặt 7 ngày nữa, giao cho y tế địa phương theo dõi”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ông Trần Như Dương và tổ công tác biên soạn một sổ tay hướng dẫn cách ly, để có thể áp dụng khi có trường hợp tương tự.

Việt Nam kiểm soát tốt được dịch COVID-19

Trẻ em đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình được hướng dẫn rửa tay trước khi vào phòng khám.
Trẻ em đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình được hướng dẫn rửa tay trước khi vào phòng khám.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19”.

Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh, Việt Nam chống dịch với phương châm 5 bước: ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để.

Chống dịch trong thời đại thông tin là dùng thông tin để minh bạch, tuyên truyền dịch bệnh, tạo điều kiện mỗi người dân đều tham gia chống dịch.

Tính đến ngày 25/2, Việt Nam qua 13 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, tổ chức giám sát và cách ly kịp thời những người trong diện nghi nhiễm, tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Dịch bệnh là vấn đề toàn cầu nên phải có sự tham gia, hợp tác quốc tế, trao đổi, thuyết phục để tìm sự đồng thuận quốc tế, đặc biệt là xử lý với tình hình dịch đang bùng phát tại nước bạn Trung Quốc, mới đây là Hàn Quốc và sắp tới có thể nhiều quốc gia khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố Việt Nam thắng trong trận đầu tiên chống dịch COVID-19, bày tỏ trân trọng nỗ lực của tất cả những người tham gia chống dịch.

Việt Nam cũng là nước đầu tiên thực hiện cách ly người nghi nhiễm, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Phó Thủ tướng, dù vậy Việt Nam vẫn thận trọng và hoàn thiện 5 kịch bản ứng phó chống dịch. Trong đó cấp độ thứ tư của dịch là có 1.000 ca nhiễm và thậm chí cấp độ cao hơn.

“Luôn luôn lường trước tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi. Tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra”- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cảnh báo giai đoạn mới của “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 sẽ khó lường khi xuất hiện các diễn biến mới về dịch bệnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy,… Và trong giai đoạn ứng phó mới, ngành y tế Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện tốt 5 phương châm chống dịch như trước đây.

Hiện dịch COVID-19 chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phải ít nhất một năm hoặc hơn nữa mới có. Do đó Phó Thủ tướng cho rằng người dân phải hiểu rõ cơ chế lây lan, phòng chống và điều trị, không lo lắng thái quá và cũng không chủ quan thái quá.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công tác cách ly người nghi nhiễm sẽ dẫn đến những bất tiện, song vẫn cần phải thực hiện nghiêm túc, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm vi rút trong khu cách ly, nội bộ. Đồng thời, đề nghị các tỉnh tổ chức cách ly tập trung phải có những phản ứng nhanh. Trường hợp Vĩnh Phúc là một bài học, nhờ kiên quyết cách ly kịp thời nên đã ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN