Hãy tự tin chọn ngành mình yêu thích!

Cập nhật, 08:34, Thứ Tư, 20/03/2019 (GMT+7)

Câu hỏi muôn thuở ở các kỳ tư vấn tuyển sinh là: Học ngành gì “hot” nhất, học ngành gì để 4 năm nữa có việc làm? Tập hợp ý kiến của những chuyên gia, chúng tôi đưa ra lời khuyên: Hãy chọn ngành nào mà bạn “hot” nhất, học tốt thì cơ hội việc làm sẽ cao.

Bỏ công nghiên cứu kỹ những ngành học mà mình thích từ chương trình học đến học phí, cơ hội việc làm.
Bỏ công nghiên cứu kỹ những ngành học mà mình thích từ chương trình học đến học phí, cơ hội việc làm.

Ngành học “hot” hay bạn “hot”?

Trong loạt chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Sở GD- ĐT Vĩnh Long đang tổ chức thì câu chuyện việc làm sau khi ra trường vẫn là nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều học sinh.

Một học sinh lớp 12 ở Trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ) quan tâm về ngành “hot” nhất, ngành có việc làm ngay sau khi ra trường. Em cũng nhờ ban tư vấn cho em biết nhu cầu nhân lực trong tương lai.

ThS. Lê Thị Lộc Mai- Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Cửu Long- cho biết: Dự báo nhân lực khối ngành có cơ hội việc làm cao đến năm 2025 là kỹ thuật- công nghệ khoảng 45%, kế đó là khối ngành dịch vụ khoảng 35%.

TS. Nguyễn Văn Cương- Phó trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ- dự đoán: “Kết quả khảo sát của ĐH Cần Thơ trong thời gian gần đây, những ngành kỹ thuật, giáo dục thể chất tỷ lệ việc làm cao. Trong tương lai 3- 4 năm nữa có thể phát triển mạnh thêm khối ngành công nghệ, các ngành kinh tế”.

Trong khi đó, Đại tá, ThS. Nguyễn Việt Khoa- Giám đốc tuyển sinh khu vực, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành- yêu cầu các em đã chọn được ngành nghề giơ tay thì những cánh tay “loe hoe” giơ lên.

Đại tá Nguyễn Việt Khoa nói: “Nhiều bạn còn chưa chọn được ngành nghề mình yêu thích, hãy chọn ngành mình thích cái đã, hãy chọn ngành học mà mình có thể “hot khi học nó”. Hãy chọn một ngành học mà mình chắc chắn sẽ học tốt, không nên chọn theo phong trào.

“Điều quan trọng là các em chọn ngành mình yêu thích, phù hợp năng lực. Nhà trường đào tạo sinh viên không phải để tìm việc làm được hay không mà phải đáp ứng được vị trí nào, chức vụ gì. Các em học tốt, có kỹ năng thì không sợ không có việc làm. Ngoài ra, các em có thể tự tạo việc làm cho mình”- Đại tá Nguyễn Việt Khoa nói thêm.

Tự tin chọn ngành mình yêu thích

Một học sinh ở Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) muốn học ngành Marketing nhưng không biết cơ hội việc làm của ngành này ra sao? Em nghe nói học khối ngành kinh tế ra khó tìm việc nên rất lo lắng.

TS. Nguyễn Văn Cương- Phó trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ- trả lời: “Kết quả khảo sát gần đây nhất của Trường ĐH Cần Thơ về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường ở ngành marketing là 100%”.

Ông Cương cũng động viên học sinh hãy chọn ngành học mà mình yêu thích vì khi thích thì các em mới học được. Thực tế chứng minh, nhiều sinh viên do chọn sai ngành nên không thể ra trường, hoặc sau một năm học đầu tiên thì chuyển sang ngành học khác.

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh ở TP Cần Thơ, em Đỗ Duy- Trường THPT Chuyên Phạm Ngọc Hầu (An Giang)- hỏi: Em rất thích ngành Sư phạm Toán học. Xin hỏi điểm chuẩn và cơ hội việc làm của ngành này?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD- ĐT)- thông tin: Các ngành sư phạm trong khoảng 3 năm qua thì tỷ lệ việc làm 81% sau 1 năm ra trường. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường chung trong toàn quốc là 87%. Tuy nhiên, ngành sư phạm những môn như Toán, Văn, Ngoại ngữ,…

Giáo dục mầm non có tỷ lệ việc làm cao hơn. Trả lời thêm câu hỏi này, PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ- bổ sung: “Trường ĐH Cần Thơ đào tạo sư phạm Toán hơn 40 năm. Đây là ngành có điểm trúng tuyển nằm trong top cao của trường: điểm trúng tuyển năm 2018 là 20,75đ, năm 2017 là 23,5đ. Học ngành Sư phạm Toán thì ngoài đi dạy, em có thể nghiên cứu giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ”.

Thiết nghĩ, để đáp ứng hội nhập không nhất thiết phải là một ngành nghề nào cụ thể. Và không có ngành nghề nào chắc chắn có việc làm cả, quan trọng là phải chọn ngành mình thích và phù hợp với năng lực của mình. Và để làm hành trang vào đời sau này, ngoài có nghề nghiệp, lao động hội nhập cần có kỹ năng, phải biết ứng dụng công nghệ thông tin và giỏi ngoại ngữ...

Có rất nhiều trường ĐH, CĐ nên các em cần tìm hiểu kỹ và chọn trường nào, ngành nào phù hợp với hoàn cảnh và năng lực gia đình. Cần tự trả lời các câu hỏi: Sở thích của bạn là gì? Muốn làm việc gì? Mình có khả năng làm gì? Sau đó, tìm hiểu thông tin thị trường lao động, đối chiếu năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình mới chọn ngành, trường.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN