"Nhất nghệ tinh"

Cập nhật, 05:41, Thứ Năm, 14/03/2019 (GMT+7)

Học lớp 11 dở dang, từ vùng quê nghèo ở Cầu Ngang (Trà Vinh) chạy xe đạp lang thang lên TP Vĩnh Long vào xin việc ở tiệm sửa xe nhỏ; vậy mà chưa đầy 6 năm sau, anh đã trở thành kỹ thuật phó, rồi kỹ thuật trưởng của các cửa hàng xe Honda. Và khi đã có mức lương ổn định, các chế độ đãi ngộ tốt, anh quyết định xin nghỉ “làm thuê” để bắt đầu “làm chủ”.

Anh Nguyễn Văn Phếp đang là chủ tiệm sửa xe Nguyễn Phếp ở Phường 3 (TP Vĩnh Long), đối diện Trường ĐH Xây dựng Miền Tây.

Anh Phếp tư vấn cho khách hàng.
Anh Phếp tư vấn cho khách hàng.

Sớm vào đời

Học nghề sửa xe gắn máy không khó, còn mở một tiệm sửa xe thì muôn hình vạn trạng tùy vào khả năng mỗi người; nhưng để trở thành người thợ giỏi và có thể lập nghiệp thành công bằng nghề thì quả là đòi hỏi nhiều thứ lắm.

Những kỹ năng, phẩm chất cần thiết của một người thợ để tạo dựng uy tín và quan trọng hơn, như bất cứ nghề nghiệp nào, đó là xác định cho được niềm đam mê và kiên trì nuôi dưỡng giấc mơ của tuổi trẻ.

Anh chủ trẻ tiệm sửa xe Nguyễn Phếp chưa hẳn là người thợ giỏi nhất, chưa phải là tiệm sửa xe lớn, nhưng tôi cảm nhận rằng, anh có đủ tố chất của một người thợ chân chính, đủ bản lĩnh tự tin đi đến cùng trên con đường lập nghiệp.

Có rất nhiều con đường vào đời lập nghiệp, nhưng có một điều quan trọng khi không xác định được niềm đam mê, khả năng thực sự bản thân, thì người ta rất dễ mất định hướng, mất thời gian quý báu của tuổi trẻ.

Đối với anh Nguyễn Văn Phếp, con đường học tập phải “gãy ngang” khi người cha lâm bệnh nặng phải chạy chữa lâu dài, đất đai gia đình cũng lần lượt “ra đi” nhưng cha cũng không qua khỏi, cậu học trò nghèo phải sớm “quăng thân” vào đời bươn chải khi đang học lớp 11 dở dang.

Sau mấy tháng giúp phụ việc ở tiệm cơ khí của người cậu, đầu năm 1997, Phếp quyết định rời quê Cầu Ngang, quảy mấy bộ đồ cũ kỹ dắt xe đạp lang thang lên Vĩnh Long tìm việc.

“Tiệm sửa xe Honda Hữu Trí” đối diện Trường ĐH Miền Tây chỉ là cái tiệm nhỏ, nhưng đó là nơi anh đã được vỡ lòng những bài học đầu tiên của nghề sửa xe.

Gọi học việc cho… sang, thật ra chỉ là phụ việc lặt vặt; nhưng mừng là có được chỗ ăn, chỗ ở không lo đói và sướng nhất là được tiếp cận những chiếc xe gắn máy như niềm mơ ước xa vời của chàng trai quê mới lớn.

Bản chất thiệt thà, hiền lành, siêng năng, không nề hà công việc nặng nhẹ; ngay khi chiều xong việc các thầy thợ ra về thì Phếp tiếp tục dọn dẹp, thậm chí lau chùi những mảng dầu nhớt bám bẩn sàn nhà.

Chỉ thời gian ngắn, ông chủ thương quý tận tình chỉ bảo và giao luôn cho quản lý tiệm mỗi khi mình đi vắng.

Sau này, cũng chính ông chủ tiệm này là người giới thiệu cho Phếp đến một đại lý xe gắn máy lớn khác để tìm cơ hội phát huy tay nghề và có điều kiện thu nhập cao hơn.

Và ngay từ lúc này, Phếp cũng đã định sẵn con đường đi của mình là phải học thật nhiều từ thực tế để bù đắp kiến thức thiếu thốn; đồng thời trải nghiệm qua nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm của nhiều người thợ giỏi.

Đây cũng là khoảng thời gian “xe Tàu” bán chạy như tôm tươi, Phếp vào làm thợ lắp ráp xe cho cửa hàng Loan Thanh Bình.

Anh nhớ, lúc đó xe “bán sỉ” về quê mà trả góp, thợ lắp ráp tối mặt tối mũi mà không kịp đủ xe để giao. Có ngày “mần” 3 cái bánh bao là làm xe đến tận khuya lơ khuya lắc.

Tiền công lắp ráp mỗi chiếc xe được 50.000đ. Những năm 1998, đây là khoản thu nhập tương đối khá đối với những người thợ mới; nhưng thời gian sau không còn tính theo tiền công sản phẩm mà tính lương tháng, thì thu nhập thợ giảm rõ rệt. Phếp nghỉ việc và lại bắt đầu tìm đến một số tiệm sửa xe khác trong TP Vĩnh Long.

“Làm chủ”

Anh Phếp đang sửa xe cho khách.
Anh Phếp đang sửa xe cho khách.

Nhưng phải đến năm 2002, khi được vào làm cho hệ thống cửa hàng xe Honda, Phếp mới bắt đầu bước vào giai đoạn mới, được học tập, đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ bài bản, tiếp cận với những máy móc hiện đại, những dòng xe mới đòi hỏi nền tảng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn nhất định.

Phếp được đưa đi thực tập trên hãng Honda một thời gian, sau khi trở về thì được phân công về công tác ở TX Bình Minh.

Đây là thời gian vừa lập gia đình, được ông cậu đứng ra vay tiền ngân hàng mua đất cất căn nhà nhỏ ở Phường 3, tiền lương hàng tháng phải dành ra trả lãi.

Chính trong giai đoạn khó khăn này, anh Phếp đã ấp ủ một giấc mơ khác, làm sao vừa có đủ năng lực, tài lực để có thể tự thân làm chủ bằng chính nghề sửa xe của mình.

Vậy là lao vào làm việc chăm chỉ, năng nổ, phát huy hết năng lực để được sự ghi nhận của lãnh đạo công ty; năm 2003 Phếp được phân công làm kỹ thuật phó và năm 2005 làm kỹ thuật trưởng.

Cứ thế, sáng chạy xuống Bình Minh làm việc, chiều lại chạy về TP Vĩnh Long; nhưng khi về đến nhà là sau xe đã có đầy một… bó cỏ. Vậy là vừa làm vừa có thể nuôi thêm mấy con bò. Sau này, còn nuôi cả mấy con dê.

Sau 15- 16 năm lăn lộn trải qua đủ các cửa hàng sửa xe, đủ môi trường làm việc, Phếp cũng được ghi nhận bằng vị trí làm việc khá tốt, thu nhập ổn định và các chế độ đãi ngộ tương đối tốt, ở vị trí nhiều người thợ trẻ khao khát thì Phếp quyết định xin nghỉ việc.

Mặc dù, công ty sẵn sàng cho Phếp điều chuyển về TP Vĩnh Long và được quyền lựa chọn cửa hàng cùng với việc tăng thêm thu nhập.

Vậy là tiệm sửa xe Nguyễn Phếp được ra đời, đối diện với Trường ĐH Xây dựng miền Tây. Đây cũng là cạnh nơi ngày xưa có tiệm sửa xe đầu tiên anh xin vào học việc.

Thu nhập của một thợ sửa xe hiện nay tùy vào năng lực và tùy vào từng nơi, nhưng trung bình cũng tầm 4- 5 triệu đồng/tháng; đối với tay nghề cao vẫn có thể thu nhập trên dưới chục triệu.

Trong khi đó, để ra một tiệm sửa xe thì mua sắm các dụng cụ, trang bị máy móc có thể đọc được bệnh của những dòng xe hiện đại thì con số đầu tư phải hàng trăm triệu đồng; bên cạnh đó là các phụ tùng thay thế, chi phí mặt bằng… Đứng ra làm chủ sẽ phải lo lắng rất nhiều điều.

Nhưng theo anh Phếp, quan trọng nhất và cái khó nhất chính là phải có những người thợ tốt. Để thợ giỏi nghề không khó, nhưng để có người thợ đàng hoàng, chân thành với khách, tạo được niềm tin, uy tín với khách dù là người quen hay khách vãng lai mới là đáng quý.

Giờ đây, “ông chủ Phếp” vẫn cố tâm tìm kiếm những người thợ trẻ mà hiền lành, tâm huyết với nghề như mình ngày xưa; cố gắng nỗ lực để có thể mở rộng cơ ngơi, tiếp nhận thêm những người trẻ giỏi nghề, sẵn sàng cùng anh tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ lập nghiệp.

Tuổi trẻ có đi ắt sẽ đến, nhưng trước khi đi cần có một ước mơ và kiên trì nuôi dưỡng ước mơ, niềm đam mê nghề nghiệp thì sẽ tìm được hạnh phúc, niềm vui trong bất cứ nghề nghiệp nào.

Theo anh Phếp, quan trọng nhất và cái khó nhất chính là phải có những người thợ tốt. Để thợ giỏi nghề không khó, nhưng để có người thợ đàng hoàng, chân thành với khách, tạo được niềm tin, uy tín với khách dù là người quen hay khách vãng lai mới là đáng quý.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG