Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Cập nhật, 14:59, Thứ Sáu, 15/03/2019 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng hiện nay làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu.Trong đó, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh ngoài da chiếm tỷ lệ khá cao.

Ngoài kem chống nắng, chị em cần bảo vệ da dưới ánh nắng gay gắt bằng trang phục dài tay dài chân, kính râm, nón,…
Ngoài kem chống nắng, chị em cần bảo vệ da dưới ánh nắng gay gắt bằng trang phục dài tay dài chân, kính râm, nón,…

Hạn chế ra ngoài vào lúc nắng cao điểm

Say nắng tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đến sức khỏe. Say nắng thường xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Dưới tác dụng liên tục của ánh nắng mặt trời, dẫn đến cơ thể không điều hòa được thân nhiệt và mất nước.

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Hổm rày nắng nóng, oi bức khiến chị bị say nắng, cơ thể uể oải, mệt mỏi, khó chịu, đầu thì nhức buốt. Có việc cần thiết chị mới đi ra ngoài buổi trưa, chứ không thì làm việc trong phòng không hà”.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, việc bảo vệ da thật cần thiết để giữ gìn vẻ tươi trẻ cho làn da. Chị em nên có chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau củ, trái cây; uống đủ nước; giữ da luôn sạch sẽ.

Đồng thời, nên sử dụng các loại kem dưỡng, các loại mỹ phẩm không nhờn bóng, lâu trôi, phù hợp với da để bảo vệ cho làn da của mình; đắp dưỡng mặt nạ giúp mát và thư giãn làn da.

Đặc biệt, luôn nhớ thoa kem chống nắng trên da hàng ngày giúp chống lại các tia nắng gây hại và không khí ô nhiễm.

Khi làm việc ngoài trời và đi ra ngoài trong những ngày nắng nóng, bạn cần trang bị cho mình các vật dụng cần thiết để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời như nón, khẩu trang, quần áo lao động phù hợp...

Chị Phan Thúy Bảo (TX Bình Minh) hí hửng: “Nhóm em vừa đi chơi biển Hòn Sơn về. Nắng nóng kinh hồn nhưng biển quá đẹp, nên tụi em cụ bị nhiều đồ chống nắng để thỏa thích chơi, tắm biển”.

Để có chuyến đi chơi vui mà vẫn bảo đảm sức khỏe, nhóm bạn của chị Thúy Bảo chuẩn bị đầy đủ kem chống nắng, nón rộng vàng, áo khoác,…và nước uống.

Chị Thúy Bảo cho biết:  “Kem chống nắng là thoa thường xuyên rồi, nhưng đi biển em thoa kem chống nắng chỉ số tới SPF 70 luôn. Tụi em còn che chắn khăn, đội nón rộng vành nữa. Chụp hình thì cởi ra khoe đầm đẹp chứ chụp xong là tụi em trùm kín mít hà. Đi chơi ngoài trời mất nước nên em tích cực uống để bù nước nữa”.

Theo Bs Nguyễn Quốc Phục- Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở y tế Vĩnh Long, để bảo vệ cho da khỏi các bệnh mùa nóng nắng là phòng tránh nắng và vệ sinh sạch sẻ cho da.

Nếu không có việc, mọi người nên hạn chế ra nắng từ 9h-15h đặc biệt là từ 11h- 12h trưa vì đây là thời gian có nhiều tia sáng độc hại cho da nhất.

Phòng bệnh mùa nắng

Những ngày qua, các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận khá nhiều các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, như: tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng... và tăng nhiều so với trước.

Những chuyến du lịch, phụ huynh cần thoa kem chống nắng, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.
Những chuyến du lịch, phụ huynh cần thoa kem chống nắng, khuyến khích trẻ uống nhiều nước.

Bên cạnh đó, các bệnh viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi hay các bệnh lý về tim mạch đang điều trị ở liều thông thường cũng không đáp ứng điều trị. Đối tượng mắc bệnh không chỉ trẻ em mà cả người lớn.

Theo Bác sĩ Bùi Thanh Tùng- Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình, để phòng tránh những bệnh này mọi người lưu ý uống nhiều nước để bù mất nước.

Các bệnh lý về tim mạch nên đến bác sĩ khám và tư vấn để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Khi làm việc ngoài trời nắng dùng khăn mát để lau cơ thể cho hạ nhiệt, phòng say nắng.

Những bệnh thường gặp trong thời tiết nắng nóng hiện nay thường liên quan đến khâu vệ sinh. Vì thế, việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng mà mọi người cần quan tâm thực hiện để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Ngoài ra, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây để tăng sức đề kháng; hạn chế thức ăn đường phố và không ăn thức ăn chế biến sẵn để quá 4 giờ.

Các bác sĩ khuyến cáo, những ngày nắng nóng, từ trong phòng máy lạnh ra (hoặc ngược lại từ ngoài nóng bước vào phòng) cần phải có một thời gian "quá độ", không nên vội bước từ nhà ra ngoài đường luôn.

Bởi khi đó, cơ thể không kịp thích nghi với sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, nhiều người không kịp cần bằng cơ thể, dẫn đến các hiện tượng chảy máu cam, đau đầu, ngất xỉu, say nắng...

Đặc biệt, cần lưu ý, mọi người không được đi nắng về là tắm liền. Lúc đó nhiệt độ hạ đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi nên dễ gây đau đầu. Nếu việc tắm ngay sau khi đi nắng gây đau đầu diễn ra thường xuyên sẽ dẫn đến chứng đau đầu mạn tính.

Vì vậy, sau khi đi nắng về, bạn nên nghỉ ngơi ít phút sau đó mới rửa chân, tay trước (nhất là vùng chân). Theo nguyên lý điều hòa nhiệt lượng, hơi nóng ở đầu mặt và toàn thân sẽ được chuyển xuống chân và thoát ra ngoài qua các lỗ chân lông. Lúc thân nhiệt hơi dịu, mới rửa mặt thì toàn cơ thể sẽ được hạ nhiệt đều, không gây tổn hại đến các phần khác trong cơ thể.

Theo dự báo của ngành y tế, thời tiết nắng nóng như hiện nay các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp sẽ còn tiếp tục gia tăng. Vì thế phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thường xuyên rửa tay cho con; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế ra nắng khi không cần thiết.

Đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và tích cực tiêm phòng đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng. 

Bài, ảnh: MAI ANH