Phòng bệnh sốt xuất huyết- không được chủ quan

Cập nhật, 12:33, Thứ Sáu, 15/03/2019 (GMT+7)

Hiện, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh SXH luôn chực chờ tấn công mọi người bất kể thời điểm nào trong năm. Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh tăng cường các biện pháp khống chế không để căn bệnh nguy hiểm này bùng phát thành dịch.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Hiếu Thành (Vũng Liêm).
Nhân viên y tế phun hóa chất diệt ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Hiếu Thành (Vũng Liêm).

Chủ động phòng bệnh

Phun hóa chất dập các ổ dịch nhỏ SXH là biện pháp được ngành y tế tỉnh tích cực thực hiện để diệt muỗi mang mầm bệnh khống chế nguồn lây. Việc tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng còn đánh động trong cộng đồng để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh SXH.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh SXH cũng được các trạm y tế xã- phường tích cực thực hiện. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và nắm rõ các biện pháp phòng chống bệnh SXH, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ An (xã Hiếu Thành-Vũng Liêm) cho biết: “Trước nhà có mấy bé bệnh SXH rồi nên tui cũng nhận biết được dấu hiệu của bệnh ra sao. Gia đình cũng có tiêu diệt muỗi để phòng tránh bệnh cho bé”.

Còn chị Nguyễn Thị Sương cho biết: “Bệnh SXH do muỗi vằn gây ra. Được cán bộ Trạm Y tế tuyên truyền, tui úp vỏ dừa xuống, lu hũ thì cọ rửa trong ngoài sạch sẽ, ngừa lăng quăng; phát quang bụi rậm không cho muỗi trú ngụ”.

Để ngừa muỗi chích con gái mình, chị Lê Ngọc Loan Trâm (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho con ngủ mùng, kể cả ngủ trưa. Trước khi ngủ, chị thường cầm vợt điện kiểm tra màn có muỗi không bởi muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối, quần áo, dây phơi...

Vợ chồng chị cũng cho con vui chơi ở khu vực thoáng đãng, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc áo dài tay để tránh muỗi, ưu tiên mặc đồ cotton hút mồ hôi hoặc vải thun mát mẻ. 

Nhiều phụ huynh có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé. Song, với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, phụ huynh nên kiểm tra độ an toàn khi lựa chọn, hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất hoặc chất diệt côn trùng, nhất là với loại thoa trực tiếp trên da bé, ưu tiên chiết xuất từ thiên nhiên.

Không bị muỗi đốt, không có SXH

SXH là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn đốt và truyền bệnh, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và tránh để muỗi đốt.

Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 300 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo ngành y tế, dù đang là mùa nắng nhưng bệnh SXH vẫn tăng đáng kể nên nguy cơ bùng phát thành dịch trong các tháng mùa mưa tới đây là rất cao.

Theo đánh giá của ngành y tế, hiện nay vẫn còn tình trạng phụ huynh rất lơ là trong phòng ngừa, chỉ khi người thân bị mới nghĩ đến cách phòng.

Để phòng bệnh cần tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, loại bỏ những ly, lọ chứa nước lâu ngày trong nhà.

Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng trong bịch ny lông, hộp cơm, chai lọ, vỏ xe… quanh nhà.

Các lu, hũ chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý giăng mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện những biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, tổ chức những lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở để nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cũng như cập nhật những kiến thức mới về giám sát dịch tễ và xử lý dịch.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế huyện- thị tăng cường công tác giám sát ca bệnh nhằm phát hiện sớm những ca đầu tiên để có kế hoạch xử lý kịp thời, ngăn chặn không để lây lan thành dịch lớn trong cộng đồng.

Biện pháp được xem là hiệu quả trong phòng chống SXH hiện nay vẫn là diệt muỗi và lăng quăng- tác nhân truyền bệnh SXH. Để khống chế bệnh SXH bùng phát thành dịch, người dân cần nghiêm túc thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế để góp phần trong việc đẩy lùi SXH hiệu quả, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các dấu hiệu cần đưa bệnh nhân SXH đến khám ngay tại bệnh viện gồm:

- Lừ đừ, mệt mỏi.

- Đau bụng nhiều hơn, ói nhiều.

- Chảy máu mũi, chân răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu hoặc ra máu kinh bất thường.

- Tay chân lạnh, da nổi bông hoặc bất cứ dấu hiệu nào bệnh nhân hoặc người nhà thấy nặng hơn.

Điều đặc biệt, bệnh SXH thường diễn tiến nặng vào ngày thứ 3, 4, 5 của bệnh và nhất là khi bệnh nhân bớt sốt nhưng vẫn mệt đừ hơn. Do vậy, khi bệnh nhân bớt sốt vẫn cần tái khám và theo dõi sát các triệu chứng nặng, tránh chủ quan.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG