Nhiễm HIV điều trị ARV với cơ chế bền vững

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 15/03/2019 (GMT+7)

Hiện nay, nếu được điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng vi rút), một người nhiễm HIV vẫn có thể có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh khi điều trị đúng. Đồng thời khi tải lượng vi rút HIV ở mức thấp cũng sẽ không có nguy cơ lây bệnh.

Nguồn quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc điều trị ARV được xem là cơ chế tài chính bền vững cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT.
Nguồn quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc điều trị ARV được xem là cơ chế tài chính bền vững cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết đạt được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp). Nhiều năm qua công tác phòng chống HIV/AIDS nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên từ năm 2018, các nguồn lực hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS nói chung và thuốc kháng vi rút nói riêng liên tục bị cắt giảm.

Đến năm 2020 sẽ không còn viện trợ nữa. Trong khi đó việc chăm sóc, điều trị liên tục và bền vững cho người nhiễm HIV là một đòi hỏi bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp quá trình điều trị.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1125/QĐ-TTg (ngày 31/7/2017) phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế và dân số giai đoạn 2016- 2020, trong đó có quy định thanh toán thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT kể từ ngày 1/1/2019.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, kể từ thời điểm trên, thuốc ARV từ nguồn BHYT sẽ có mặt tại gần 200 cơ sở điều trị, đáp ứng nhu cầu của 48.000 bệnh nhân cả nước. Hiện cơ quan chức năng đã làm xong công tác đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp và đảm bảo nguồn thuốc đến tay người bệnh.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHYT ở bệnh nhân điều trị ARV gia tăng rõ rệt. Cụ thể từ năm 2016 về trước, bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT dưới 50%.

Đến cuối năm 2018, bệnh nhân HIV có BHYT tính chung đã đạt 83,4%, riêng một số tỉnh đạt 100%. Đến ngày 30/1/2019, số bệnh nhân HIV đang điều trị tại 5 cơ sở y tế tại tỉnh Vĩnh Long là 1.342 người, trong đó 1.310 người có BHYT (97,6%).

Vĩnh Long tuy đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác phòng chống HIV/AIDS các năm gần đây nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, khi tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nguy cơ cao có xu hướng tăng, nhất là trong nhóm người chích ma túy và quan hệ tình dục đồng giới nam.

Năm 2018, tỉnh ghi nhận 129 trường hợp nhiễm mới HIV, tăng 33 trường hợp so với năm 2017. Trong đó có 106 trường hợp nam giới, độ tuổi 25-49, tập trung ở nhóm người chích ma túy, phụ nữ mại dâm.

Được sự chấp thuận của UBND tỉnh, ngày 8/3/2019, Sở Y tế Vĩnh Long tổ chức sự kiện tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT. Tại đây, đại diện 20 bệnh nhân HIV nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT điều trị.

Ngành y tế tỉnh cho hay hiện tất cả 5 cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS trong tỉnh đã hoàn tất công tác chuẩn bị để bệnh nhân điều trị ARV từ nguồn BHYT. Bác sĩ Văn Công Minh- quyền Giám đốc Sở Y tế- kêu gọi các ban ngành phối hợp ngành y tế tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT để tiếp tục điều trị ARV liên tục, duy trì sức khỏe.

Chi phí điều trị với người bình thường không may bị bệnh đã là gánh nặng. Với người nhiễm HIV/AIDS, chi phí này càng lớn và trở thành nỗi lo của họ và gia đình.

Theo ngành y tế, trong bối cảnh nguồn thuốc ARV tài trợ từ các tổ chức quốc tế cắt giảm, thì việc người bệnh tiếp tục được điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do BHYT chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho bệnh nhân. Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả là chính sách nhân văn, tạo điều kiện để người nhiễm HIV giảm gánh nặng khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Sở Y tế, để chương trình bền vững, các cơ sở điều trị cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, thay đổi nhận thức người bệnh về BHYT, tạo môi trường điều trị thân thiện thông qua thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh.

Tất cả để người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận thuốc điều trị ARV và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tính đến ngày 30/1/2019, số bệnh nhân HIV đang điều trị tại 5 cơ sở y tế của tỉnh Vĩnh Long là 1.342 người, trong đó 1.310 người có BHYT (97,6%). Theo đó, 5 phòng khám ngoại trú quản lý điều trị người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh gồm: phòng khám ngoại trú người lớn, phòng khám ngoại trú nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, phòng khám ngoại trú ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN