Phía sau những cuộc hôn nhân ngoại đổ vỡ

Kỳ cuối: Để con lai hòa nhập cộng đồng

Cập nhật, 14:02, Chủ Nhật, 30/11/2014 (GMT+7)

Kỳ 1: Con lai và trăn trở quê quán

Mong ước lớn nhất của các em có mẹ Việt Nam- cha ngoại quốc chính là được đến trường, được sống hòa nhập cùng xã hội với đầy đủ những quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, lớn lên trong vòng tay che chở, yêu thương của cả cha và mẹ. Nhưng, hình như điều đó vượt quá xa tầm tay sau khi cuộc hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ.


Những lý do hết sức đơn giản và có phần cạn nghĩ của những cô dâu Việt đã đẩy những đứa trẻ con lai vào cảnh đời bất hạnh.

Sao con không được như các bạn?

Những đứa trẻ con lai khi trở về Việt Nam sinh sống nếu có mang về giấy tờ đầy đủ thì có thể chuyển đổi sang các thủ tục pháp lý Việt Nam để được đi học, hưởng các chế độ phúc lợi xã hội.

Còn với những đứa bé “đi về mình không”, giấy khai sinh bị giữ lại ở xứ người thì không biết làm sao để có được giấy khai sinh đi học khi về quê hương mẹ sống. Không quốc tịch, không được hưởng những chế độ xã hội, phải chịu nhiều thiệt thòi, điều đó cũng đang là một vấn đề bức xúc.

Không chỉ thiếu thốn tình thương của cha mẹ, 2 cháu V.T.V.T. (8 tuổi) và V.V.L.L. (3 tuổi, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) đang đối mặt với nguy cơ không thể đến trường vì không có giấy khai sinh. Bé V.T. hiện được người quen gửi dùm vào học lớp 1 một trường tiểu học, được ngày nào hay ngày nấy chứ không chính thức, vì không có hồ sơ, học bạ như bao trẻ khác khi không có khai sinh, quốc tịch.

“Tội nghiệp 2 đứa nhỏ lắm, cứ thui thủi chơi với nhau thôi. Lúc mới về còn không nói được tiếng Việt. Gần đây, 2 đứa đi học về nói với tôi là cô đòi giấy khai sinh, nếu không có là không tiếp tục học được. Nghe mà rơi nước mắt”- ông ngoại 2 bé buồn rầu chia sẻ.

Một công chức hộ tịch ở xã cho biết, thời gian qua, địa phương đã nỗ lực hết mình tìm cách hỗ trợ cho các cháu được làm giấy khai sinh đến trường học như bao trẻ em bình thường khác nhưng vẫn chưa được, còn nhiều vấn đề chưa thông. Chúng tôi đã làm hồ sơ trình lên Phòng Tư pháp TP Vĩnh Long và Sở Tư pháp tỉnh để chờ hướng dẫn.

Trường hợp của chị N.T.M.L. (Long Hồ) kết hôn với người chồng Malaysia, có đứa con trai mang tên nước ngoài và có khai sinh, quốc tịch Malaysia.

Hiện tại chị đã đưa con về quê hương Việt Nam sống và cũng đang xin chuyển đổi các giấy tờ của cháu bé sang thủ tục pháp lý Việt Nam để cháu có điều kiện sinh sống và học tập, thụ hưởng sự quan tâm chăm sóc từ các chính sách xã hội như bao đứa trẻ khác. Và trên hết là để bé có thể đường hoàng hòa nhập với cộng đồng mà không bị “phân biệt đối xử”.

Làm gì để giúp các em?

Còn khá nhiều chị em phụ nữ đổ vỡ hôn nhân với người nước ngoài, đem con trở về sinh sống tại Việt Nam nhưng không làm giấy khai sinh được và bản thân các chị cũng không thể nhập hộ khẩu vì còn vướng mắc các thủ tục giấy tờ tại xứ người.

Cứ thế mà sống kiểu “tạm bợ”, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của những đứa trẻ con lai sau này. Mặt khác, các em cũng rất khó khăn trong hòa nhập cộng đồng vì bất đồng ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt cũng như thiếu vắng tình thương, sự giáo dục của cha mẹ…

Theo Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long, đối với các trường hợp đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam có mang đầy đủ giấy tờ đã đăng ký ở nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại điểm 1, phần III. Thông tư số 01/2008/TT-BTP.

Trường hợp nếu các em đã được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, đã có quốc tịch nước ngoài nhưng không mang giấy tờ khi trở về Việt Nam, những trường hợp trên đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Thiết nghĩ, ngoài việc tạo điều kiện tư vấn, hỗ trợ giúp gia đình các em giải quyết những khó khăn về thủ tục pháp lý để hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất thì việc giải quyết những cái gốc sâu xa, nguyên nhân của vấn đề gây nên hiện trạng này cũng quan trọng không kém.

Đó chỉ là bề nổi, còn những mất mát thật sự bên trong tâm hồn, cuộc sống của những đứa trẻ là những thiếu thốn về mặt vật chất và tinh thần; bởi những cuộc hôn nhân chóng vánh, thiếu tìm hiểu, thiếu nền tảng là tình yêu nên sớm đổ vỡ và hệ lụy là con trẻ không được hưởng trọn vẹn sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ.

Để tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho những cô gái và cộng đồng có mong muốn lấy chồng nước ngoài hoặc đang trong hoàn cảnh đó sống có trách nhiệm hơn với bản thân, xã hội và nhất là với những đứa trẻ vô tội, nhiều năm qua, mô hình “Can thiệp giảm thiểu tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Tư pháp tỉnh thành lập đã tăng cường tổ chức sinh hoạt các CLB, các nhóm và tổ tư vấn, phát loa truyền thanh, nhất là vùng nông thôn, để tuyên truyền các bộ luật, các thông tư, hướng dẫn nhiều chuyên đề có liên quan giúp nhận thức của chị em được nâng cao.

Đồng thời, các ngành, các cấp cũng quyết liệt vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện các dự án hỗ trợ kịp thời giúp phụ nữ có điều kiện làm kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng.

Sắp tới, các ngành, các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đi vào chiều sâu, tiếp tục triển khai nhân rộng thực hiện các mô hình “Can thiệp giảm thiểu tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài” tại hầu hết các địa phương trong tỉnh nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực và sự mất cân bằng giới tính, mất nguồn lao động nữ trong tương lai mà trên hết là ươm mầm thật xanh tốt cho trẻ em.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI