Khi dân hiến đất làm đường

Cập nhật, 07:30, Thứ Sáu, 28/11/2014 (GMT+7)

Khi dân hiến đất làm đường

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hợp lòng dân, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc làm cho nông thôn Vĩnh Long giờ đây đường đan tỏa ra tứ hướng. Hiện 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, các ấp đều có đường dân sinh thuận tiện đi lại trong 2 mùa mưa nắng, góp phần quan trọng hình thành nông thôn mới đến tận vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ kháng chiến.


Chú Nguyễn Hồng Việt (bên trái, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) hào sảng: ”Nghe Nhà nước mần tiếp cái lộ, tui mừng quá đập cái nhà chứa lúa cái rụp trong 20 phút. Có đường, xe hơi chạy tới nhà, sướng lắm!”

K 1: Có những tấm lòng quý hơn vàng

Giờ về nông thôn, chúng tôi không còn sợ cảnh đò ngang cách trở mà được đi trên những con đường nhựa, đường bê tông, cấp phối làm ngay trên đồng ruộng. Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi rời phố về quê để nghe những câu chuyện hiến đất của những nông dân hào sảng.

Người người hiến đất

Đường liên ấp giữa Ấp 7 (xã Hòa Lộc) và Ấp 8 (xã Mỹ Lộc) 5 năm trước chỉ là con đường đan nhỏ rộng hơn 1m. Còn hôm nay “đường ta rộng thênh thang…”, được tráng nhựa và ôtô bon bon chạy. Ông Huỳnh Tấn Hưng- một trong những hộ dân của Ấp 8- tự nguyện hiến gần 300m2 đất.

Hỏi chuyện “mất đất”, ông cười hiền: “Xưa ở đây toàn là đường đất, xe cộ đi lại cực lắm. Rồi được đường đan, giờ được đường nhựa, xe 4 bánh chạy tới nhà. Đất này trước tui trồng rau cải, nấm rơm kiếm cũng được hơn 6 triệu đồng mỗi năm. Nhưng tui và bà con cùng hiến đất không thấy tiếc, có đường rộng, giao thương thuận lợi, tiện trăm bề”.

Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi đến thăm gia đình chú Lê Quang Điểm (ấp Đông Thạnh C).
 
Bên ly trà đá mát lạnh, chú cười khi chúng tôi hỏi chuyện hiến đất làm đường giao thông: “Tui làm trưởng ấp nên phải xung phong đi đầu làm gương cho bà con chớ”. Chú dẫn chúng tôi ra con đường liên ấp Đông Thạnh B- Đông Thạnh C đang được tráng nhựa “còn một đoạn nữa là xong”.

Chú cười xòa: “Đường sá mị mị trong này, dân ở ấp trên 40 hộ từ đó tới giờ chỉ mần ruộng vườn không hà, hổng dám nghĩ sẽ có đường lộ tẻ ngang qua ruộng vườn như vậy đâu. Đường này làm còn vài trăm mét là hoàn thành rồi. Có đường xe cộ lưu thông 2 mùa mưa nắng, máy xới, máy gặt ra tới ruộng. Mình đi lại cũng… sướng chân”.

Về xã Hòa Hiệp, men theo đường nhựa phẳng lỳ từ cầu Cái Cui đến kinh Thầy Hạnh thuộc Ấp 10 để đến nhà chú Nguyễn Hồng Việt. Gặp chúng tôi, chú hào sảng: “Còn một đoạn nữa là đường này lưu thông toàn tuyến đi ngon lành. Xe 4 bánh chạy đậu cái cụp là tới nhà. Nghe làm được cái lộ cả nhà tui mừng lắm. Cái nhà xây 2 tháng, để làm đường cho rộng, tui cho đập luôn, chừng 20 phút là xong”.

Gió kinh Thầy Hạnh thổi lùa mát mẻ, dàn cây quỳnh anh khoe sắc vàng đón nắng. Trước nhà chú còn đống bê tông của nhà kho vừa được đập để hiến đất làm đường.
 
Chú vui vẻ: “Để dành pít-tông ban ra làm đường luôn. Đường này là bờ đê đi bộ còn lởm chởm huống chi chạy xe. Mùa nước, cả xóm phải xúm lại vác đất thùng be bờ. Giờ có đường, xe đã chạy tới tận ruộng vườn thu mua nông sản. Tụi nhỏ đi học cũng an toàn hơn hổng còn sợ trợt té nữa”.


Tuyến đường liên xã từ Trường Tiểu học Long Mỹ đến ấp Thanh Hương (xã Mỹ An- Mang Thít) dài hơn 3.500m, người dân Long Mỹ hiến gần 15.000m2 đất.

Hiến đất không đắn đo

Hỏi chuyện người dân hiến đất làm đường không địa phương nào là không có. Qua báo chí, chắc hẳn ai cũng nhớ câu chuyện của ông Ngô Văn Đáo (ấp Ngã Phú, xã Hiếu Nhơn) không chút đắn đo khi một mình lọc cọc đạp xe lên huyện “xin” được hiến 2.400m2 đất.

Ông Nguyễn Văn Thái (ấp Trung Trị, xã Trung Hiệp) cũng “góp công” với 1.934m
2 đất vườn cây ăn trái của gia đình, trị giá gần 300 triệu đồng. Lão nông Nguyễn Hữu Phủ (ấp Phước Trinh B, xã Long Phước) đã ký vào biên bản cái rụp hiến 2.000m2 đất.

Ông Phủ tâm đắc: “Trước mắt mình mất đất nhưng được lợi lâu dài. Từ đây, đường sá thông thương, tụi nhỏ ngày 2 buổi tới trường học khỏe re, không còn cảnh lội sình đi tìm con chữ như trước nữa”.

Con đường liên xã Mỹ Lộc- Mỹ Thạnh không còn đường bờ bao, lầy lội nữa mà trải nhựa, rộng 3,5m, dài gần 5km. Chú Lê Văn Đổng (59 tuổi, thương binh 3/4 Ấp 10) tự nguyện đập hàng rào kiên cố và hiến 500m2 đất để chính quyền địa phương làm đường giao thông. “Mình là bộ đội Cụ Hồ phải tự nguyện hiến đất làm gương cho dân cùng chung tay hiến đất xây dựng nông thôn mới”.
 
Rồi chú cười vui nhắc lại chuyện chưa có đường: “Trước kia không có bờ bao này thì tới mùa nước tràn, khỏi đi. Học trò phải lội sình đi học, vài bước là có cầu khỉ. Đứa nào bền lắm cũng học hết cấp 2 là nghỉ ráo. Giờ đây đường thông thoáng, xe 4 bánh chạy tới nhà. Mừng thiệt đó”.

Đường giao thông liên xóm Ấp 4 ở xã Tân An Luông, dài 1.200m, với kết cấu là mặt đường trải nhựa, rộng 4m, tải trọng 1,5 tấn, bắt đầu từ Đường tỉnh 901 đi qua Ấp 3 và Ấp 4. Tổng đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 602 triệu đồng (51%), phần còn lại từ ngân sách nhà nước.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Cánh (83 tuổi, Ấp 4) cười móm mém: “Nhà mẹ đã hiến gần 3 công đất để cùng Nhà nước làm đường cho dân đi lại. Hồi trước, đường xấu, mưa nước ngập, sình dơ tụi nhỏ đi học vất vả, thương lắm. Giờ đường sá ngon lành, mẹ thấy vui. Chồng, con còn hy sinh cho cách mạng được thì tiếc gì mấy công đất”.

Nói đến đất đai vốn dĩ đó là câu chuyện dài muôn thuở. Không ít người chỉ vì ranh đất mà trở mặt, ấu đả nhau, thậm chí kiện nhau ra tòa. Thế nhưng những nhân vật trong câu chuyện của chúng tôi thì hoàn toàn khác. Họ đã hiến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét đất gọn ơ với suy nghĩ thật nhẹ nhàng: Mình mất ít đất nhưng cái lợi lâu dài.

Đường lớn đã mở, không chỉ mình mà con mình, cháu mình sẽ được hưởng! Một đời gắn bó với ruộng đồng nhưng những người nông dân lại rất hào sảng: Hễ chút xíu là đền bù thì tiền đâu Nhà nước lo cho nổi!

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: UYÊN QUYÊN