Phía sau những cuộc hôn nhân ngoại đổ vỡ

Kỳ 1: Con lai và trăn trở quê quán

Cập nhật, 11:58, Thứ Sáu, 28/11/2014 (GMT+7)

Phía sau những cuộc hôn nhân đẫm nước mắt là đổ vỡ hôn nhân với người chồng ngoại, là bi kịch cuộc đời cho những đứa con lai, đang phải sống bơ vơ, “tạm bợ” khi giấy khai sinh, cha mẹ ở một nơi, còn con ở một nẻo.

2 cô bé sinh đôi Minh C. và Minh Ch. khao khát một ngày được biết mặt cha.

Còn đó nhiều số phận con trẻ bơ vơ

Những câu chuyện buồn về thân phận của những đứa trẻ con lai theo mẹ về Việt Nam sau những cuộc hôn nhân dang dở với người chồng ngoại không còn là chuyện cá biệt. Đáng buồn là một số em khi sinh ra đã thiếu vắng tình thương yêu vì cha mẹ lục đục, đường ai nấy đi. Khi trở về quê ngoại, các em chưa được hưởng đầy đủ những chính sách xã hội như một công dân Việt Nam, vì các em không mang quốc tịch Việt Nam.

Chị Võ Thị Kim Ng. (sinh năm 1980) kết hôn với người đàn ông Trung Quốc khi đi làm ở TP Hồ Chí Minh. Khi mang song thai 2 cô công chúa, chị trở về quê hương sinh nở, cũng là lúc người chồng ngoại chạy theo người phụ nữ khác, vì người vợ Việt “không biết sinh con trai”.

Sau khi ly dị, chị Ng. gửi 2 con cho mẹ ruột là bà Võ Kim V. (ở ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) nuôi dưỡng. Còn chị tha hương nơi xứ người kiếm sống và để có chút đỉnh tiền gửi về lo cho 2 con. Vì được sinh ra tại Việt Nam nên các em có được giấy khai sinh để đến trường, nhưng vẫn xót xa bởi các em không có cha mẹ bên cạnh với sự quan tâm dạy bảo.

Ở tuổi 13 và cũng từng ấy năm trời, 2 chị em sinh đôi Nguyễn Trần Minh C. và Nguyễn Trần Minh Ch. lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Tâm sự với chúng tôi, 2 chị em hồn nhiên: “Con muốn biết mặt cha, nhưng chỉ muốn biết mặt thôi chứ không đi theo cha đâu”. Ước muốn bình thường của con trẻ nhưng chỉ là giấc mơ.

Tương tự, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng Đài Loan, chị V.T.T.H. (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) đưa 2 con về Việt Nam cho cha mẹ chăm lo dùm, còn bản thân chị vẫn tiếp tục mưu sinh nơi xứ người… Ông Võ Văn H.- cha chị V.T.T.H. kể: “Mỗi tháng, con H. gửi về 3- 4 triệu đồng, tiền học hành đứa lớn, rồi tiền sữa đứa nhỏ nên chẳng thấm vào đâu”.

Nhìn 2 cháu V.T.V.T. (8 tuổi) và V.V.L.L. (3 tuổi) mang đậm nét “Đài”, lạ lẫm, lơ mơ chưa hiểu rõ tiếng Việt Nam, chỉ biết lắc đầu cười khi chúng tôi hỏi han về cha mẹ. 2 bé mang quốc tịch Đài Loan, cha mẹ ruột vẫn ở xứ Đài nhưng các bé hiện sống tại Việt Nam.

Vì sao con phải chịu số phận như thế?

Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị C. - một cô gái trẻ vừa sinh con được vài tháng- hiện đang sống với cha mẹ ruột tại xã Tân Lược (Bình Tân). Chị C. lấy chồng ngoại với lý do hết sức đơn giản là muốn qua Trung Quốc tìm việc làm và chia tay chồng cũng với lý do rất giản đơn là “về thăm nhà rồi không muốn đi nữa”.

Cách nay 2 năm, qua mai mối, chị kết hôn với người chồng Trung Quốc rồi theo chồng về xứ lạ. Nơi xứ người biết bao bỡ ngỡ, ý định tìm được việc ổn định của chị không thể thực hiện do chưa có quốc tịch và không biết tiếng Trung. Về Việt Nam thăm nhà, chị quyết định ở lại luôn vì lý do “qua bên đó sống khó khăn, bức bối lắm”.

Lúc đầu, chồng chị còn liên lạc, nhưng về sau thì “cắt đứt liên lạc” cho đến nay. Qua tiếp chuyện với bà mẹ trẻ 25 tuổi này, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều vấn đề mà chị chưa nghĩ tới- nhất là con trai hiện 8 tháng tuổi của chị rồi sẽ ra sao…

Cùng ngụ tại xã Tân Lược, cũng kết hôn qua mai mối, chị Huỳnh Kim L. theo chồng sang Đài Loan sống trong sự bất đồng ngôn ngữ và cả lối sống. Khi đang mang thai về quê chịu tang cha, chị không chịu đi nữa, vì “ở không nổi, gia đình chồng quá hà khắc lại không phù hợp về lối sống và ngôn ngữ, sống như tù nhân”- chị rớt nước mắt chia sẻ.

Ngày chị sinh con cũng là lúc chồng chị gửi giấy đơn phương ly hôn. Chị đã khóc hết nước mắt do buồn tủi, xót thương thân phận mình và đứa con gái nhỏ vô tội do chị cưu mang. Cuộc đời nó sẽ ra sao, lớn lên như thế nào? Câu hỏi ấy xoáy trong lòng chị, đau như dao cắt.

Giờ đây, cuộc sống của mẹ con chị phải nhờ vào tiền bán vé số hàng ngày của mẹ già, còn chị thì làm thuê làm mướn bữa có bữa không. Thương nhất là con gái của chị- em Huỳnh Kim N. năm nay đã học lớp 8 vừa sống thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần vì không có cha, lại hay bị “để ý” vì là con lai.

Những cuộc hôn nhân tan vỡ không chỉ làm dang dở cuộc đời của người mẹ mà hệ lụy của nó còn làm ảnh hưởng không ít đến tương lai của những đứa con, đó là chưa kể đến những tổn thất lớn về mặt tình cảm gia đình, cái nôi để hình thành nhân cách của một đứa trẻ.

Đó là những đứa trẻ bơ vơ mà pháp luật Việt Nam không thể bảo hộ tuyệt đối cho các bé. Còn pháp luật của đất nước mà các bé mang quốc tịch lại càng không thể bảo hộ vì các bé đang sống ở Việt Nam.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI